Lộc rừng

Từ một điểm nóng về trồng cây màu trên đất lâm nghiệp trở thành một điểm sáng về trồng rừng quả thực là kỳ tích của người dân tộc Nùng thôn Đèo Trám, xã Tiến Bộ (Yên Sơn). Từ trồng rừng, người dân ở đây đã vươn lên thoát nghèo, xây nhà tiền tỷ. Cả làng

Cả làng bỏ sắn trồng rừng

Trên đường đưa chúng tôi vào thôn Đèo Trám, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngô Tiến Dũng cho biết, chục năm về trước, cả thôn đều trồng sắn nhưng vẫn không thoát được cái nghèo. Cả thôn khi ấy có 37 hộ dân thì có 27 hộ nghèo, chưa kể cận nghèo. Thế rồi được Đảng ủy, UBND xã vận động, trong nhiều cuộc họp của thôn, ông Hoàng Lao Sán, người có uy tín trong thôn đứng lên bảo: “Bà con ta mấy năm nay trồng sắn nhưng có khấm khá lên đâu, nhiều hộ nghèo quá. Bà con ta bỏ cây sắn mà trồng rừng đi”. Thế rồi gia đình ông Sán là hộ đầu tiên trồng rừng. Ông vận động các con trồng rừng. Cuộc sống của gia đình ông cũng từ đó mà đi lên.

Những cánh rừng ở Đèo Trám.

Người dân ở thôn Đèo Trám hàng năm có phong tục cúng thần rừng. Trong lễ cúng, nhà nào cũng được bí thư chi bộ, trưởng thôn, người già bảo ban cách làm ăn. Anh Sèn Văn Nam, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đèo Trám kể: “Trong lễ cúng thần rừng năm 2015, cả thôn này đã hứa với thần rừng sẽ bỏ cây sắn, phủ xanh đất đồi bằng cây keo, cây mỡ để thoát nghèo”.

Những ngôi nhà xây mới ở Đèo Trám nhờ tiền khai thác rừng trồng.

Nghe theo sự vận động của cấp ủy, chính quyền xã và thực hiện lời hứa ấy, gia đình anh Nam là một trong những hộ tiên phong trồng rừng. Anh bảo, thôn chưa có điện, đường giao thông còn khó khăn nên vận động nhân dân phát triển rừng là phù hợp nhất. Mà lúc ấy muốn vận động được thì mình phải làm trước. Rồi chính tay anh phá bỏ lò sấy sắn của gia đình, anh vận động nhân dân cuốc đất, mở rộng tuyến đường để ô tô lên đến tận thôn.

Hộ anh Nam hiện có 12 ha rừng, trong đó có 6 ha rừng đã cho khai thác. Từ năm 2016 đến nay, số tiền thu về từ khai thác rừng của gia đình anh Nam khoảng 500 triệu đồng. Có khoản tiền lớn từ trồng rừng, anh mua cho hai người con mỗi người một mảnh đất để an cư lập nghiệp. Cuộc sống dư dả từ rừng của anh Nam được người dân trong thôn theo đó mà học tập. Bây giờ cả thôn Đèo Trám có 43 hộ dân nhưng có tới 360 ha rừng và là thôn dẫn đầu về diện tích trồng rừng ở xã Tiến Bộ.


Rừng trồng theo quy trình FSC của Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Sèn Văn Nam.

Xây nhà tiền tỷ nhờ rừng

Đường vào thôn Đèo Trám tuy vẫn không khác xưa nhưng hai bên đường chỉ toàn rừng, những ngôi nhà mới tinh mọc lên ngày càng nhiều. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong thôn đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ trồng rừng. Chị Sèn Thị Mẩy, trước năm 2018 là hộ cận nghèo, nhiều năm liền, gia đình chị sống trong ngôi nhà tạm. Chị Mẩy bảo: “Nhà mình có gần 20 ha đất đồi bây giờ trồng rừng hết rồi. Trong đó có khoảng 10 ha đã cho khai thác từ 4 năm trở lại đây”. Mỗi lần khai thác, gia đình chị cũng thu về trên 200 triệu đồng. Có tiền từ khai thác rừng, gia đình chị Mẩy xây được ngôi nhà mới trị giá gần 1 tỷ đồng. Có nhà xây mới, chị Mẩy phấn khởi lắm, chị bảo: “Nhờ nghe theo chủ trương vận động của Đảng mà nhà mình trồng rừng, có tiền xây nhà to, không phải đi làm thuê nữa”.


Ngôi nhà mới của gia đình chị Mẩy vừa được xây dựng nhờ trồng rùng.

Gia đình anh Sèn Văn Kinh trước năm 2018 cũng là hộ nghèo. Nhà anh Kinh có 7 ha rừng đã cho khai thác 2 năm nay. Anh Kinh bảo: “Ban đầu trồng rừng mình cũng suy nghĩ lắm vì thấy người ta bảo phải mất thời gian dài mới cho thu. Vậy thì trong mấy năm chưa cho khai thác thì mình lấy gì để trang trải cuộc sống. Nhưng sau đó được cán bộ thôn, xã bày cho cách lấy ngắn nuôi dài, mình vừa chăm sóc rừng vừa chăn nuôi lợn nên không phải đi làm thuê nữa”. Lần đầu tiên anh Kinh thu một lúc gần 500 triệu đồng từ rừng, anh mừng rỡ chảy nước mắt. Vợ chồng anh Kinh vừa xây ngôi nhà sàn cột bê tông mới trị giá 700 triệu đồng. Năm 2018, anh chị được công nhận thoát nghèo.

Theo Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Sèn Văn Nam, thôn giờ chỉ còn 13 hộ nghèo và chỉ còn 1 hộ ở nhà tạm. Những hộ thoát nghèo đều nhờ rừng. Không chỉ trồng rừng đơn thuần, người dân ở Đèo Trám còn trồng rừng theo quy trình FSC. Hiện nay toàn thôn có 26 hộ tham gia với 62 ha. Anh Nam là trưởng nhóm trồng rừng theo quy trình FSC của thôn. Bình quân mỗi ha rừng trồng FSC, người dân thôn Đèo Trám thu nhập 100 triệu đồng. Hiện nay, toàn thôn đã có trên chục ha rừng cho khai thác theo quy trình FSC.

Cuộc sống đổi thay của người dân thôn Đèo Trám cho thấy dù ở nơi điều kiện khó khăn đến đâu nhưng nếu chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp cùng với sự quyết tâm xây dựng cuộc sống ấm no chắc chắn sẽ thành công.

Bài, ảnh: Thủy Châu/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục