Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn (bản) trên địa bàn tỉnh theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”

Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền cùng các tầng lớp nhân dân các xã trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động để giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa của địa phương. Trong các hoạt động đó, có việc xây dựng nhà văn hóa thôn làm nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong thôn.

Thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, ngày 13/12/2012, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 20/2012/NQ-HĐND về hỗ trợ xây dựng một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2015, cụ thể: Đối với nhà văn hóa thôn, bản có quy mô 80 chỗ ngồi trở lên được hỗ trợ 150 triệu đồng nếu xây mới và hỗ trợ 100 triệu đồng đối với công trình cải tạo, nâng cấp; xây dựng sân thể thao thôn, bản có quy mô 1.500 m2 trở lên sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng. Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã xây dựng và nâng cấp được 62 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố và 188 công trình sân thể thao trị giá trên 11,3 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 5,6 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 5,7 tỷ đồng; nâng tổng số nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố lên 1.689/2.096.


Nhà văn hóa thôn Thác Nóng, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 03/2016/NQ-HDND ngày 13/7/2016 quy định cụ thể đối với mức hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên theo đó căn cứ vào điều kiện cụ thể, các thôn trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa bằng cấu kiện đúc sẵn gồm toàn bộ cột bê tông, vì kèo thép, xà gồ thép, tôn lợp, cửa đi, cửa sổ và chi phí vận chuyển, bốc xếp đến chân công trình hoặc địa điểm thi công gần nhất để xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố hoặc liên thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên. Cấu kiện đúc sẵn áp dụng theo mẫu thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình nhà văn hóa thôn, bản được Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể.

Để cụ thể hóa nội dung thực hiện Nghị quyết số 03, ngày 15/9/2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh Đề án số 307/QĐ-UBND về xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên giai đoạn 2016-2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án theo từng năm, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố việc thực hiện đánh giá tiêu chí 06 về cơ sở vật chất văn hóa đối với nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố theo quy chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 
Nhà văn hóa thôn Nặm Chá, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình

Đến nay, toàn tỉnh đã thi công và đưa vào sử dụng 442 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, với tổng khinh phí thực hiện là 188,094 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 133,943 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 54,151 tỷ đồng. Từ việc thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn (bản) theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, Tuyên Quang đã có 1.790 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa (đạt 85,4%), trong đó có 1,281 nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố đạt quy chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới (đạt 61,1%).

Qua gần 10 năm triển khai thực hiện xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” và từ những kết quả đã đạt được đã cho thấy Nghị quyết số 20 và Nghị quyết số 03 của Hội đồng nhân dân tỉnh là bước đi đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và nhận được sự đồng thuận cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân. Thông qua chương trình vai trò và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã phát huy có hiệu quả góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tác động tích cực đến đời sống văn hóa, tinh thần của nông dân, góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, phát huy dân chủ của người dân.

Các hoạt động của nhà văn hoá thôn, bản, tổ dân phố đã kịp thời tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương, các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh và nâng cao mức hưởng thụ văn hoá tinh thần cho nhân dân, góp phần tích cực trong công tác xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn; đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc; thu hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân đến tham gia sinh hoạt. Nhiều thôn, bản, sau khi có nhà văn hóa gắn với sân thể thao đã thực sự phát huy hiệu quả, đặc biệt là phong trào văn hóa, văn nghệ của thôn được phát triển, nhiều thôn đã tổ chức giao lưu thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ sôi nổi, góp phần quan trọng xây dựng tinh thần đoàn kết, xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư./.

Nguyễn Thị Thu Hương/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục