Tuyên Quang tích cực thực hiện chính sách đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Trong những năm qua, hệ thống Ngành ngân hàng tỉnh Tuyên Quang đã chủ động triển khai thực hiện các chính sách đầu tư tín dụng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Hoạt động đầu tư tín dụng theo chính sách của tỉnh Tuyên Quang được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT quan tâm thực hiện (ảnh: Thẩm định cho vay nuôi cá đặc sản trên địa bàn huyện Na Hang)

Sau gần 13 năm thực hiện thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước cùng với hệ thống các Ngân hàng tỉnh Tuyên Quang luôn tích cực, chủ động tổ chức phổ biến, quán triệt, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, giải pháp đầu tư tín dụng và lồng ghép có hiệu quả hoạt động đầu tư tín dụng để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Các chính sách về hỗ trợ lãi suất cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được thực hiện đúng với định hướng của Đảng và Nhà nước, phát triển các sản phẩm tín dụng ưu việt, lãi suất phù hợp, có tính ưu đãi, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu vay vốn vốn linh hoạt của người dân.

Cùng với đó là việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đầu tư, phát triển tín dụng trên địa bàn tỉnh, như: Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ và có hiệu quả cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới của tỉnh; theo dõi nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định; thường xuyên phối hợp với các Hiệp hội, các hội, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại và các hộ vay vốn để cùng rà soát, đánh giá khả năng trả nợ, khả năng tài chính của khách hàng, trên cơ sở đó có những giải pháp cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn cho phù hợp; tiếp tục xem xét điều chỉnh, mở rộng mạng lưới phòng giao dịch (đến nay, toàn ngành ngân hàng đã có 51 phòng giao dịch, so với năm 2008 tăng 33 phòng), đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng nhằm phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng thuận lợi cho tổ chức, cá nhân sử dụng các dịch vụ ngân hàng; quan tâm củng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các Tổ liên kết, các Tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đảm bảo hoạt động ngân hàng tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, góp phần phát triển tích cực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cùng hệ thống ngân hàng toàn tỉnh luôn đặc biệt quan tâm đến việc phát triển mạng lưới hoạt động và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đối với vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn và trung tâm các cụm xã để đáp ứng nhu cầu vốn, các nhu cầu về thanh toán, sử dụng các dịch vụ ngân hàng đối với khách hàng; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tại các phòng giao dịch, điểm giao dịch, bố trí hợp lý các phòng giao dịch, máy giao dịch tự động ATM; trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thường xuyên đào để nâng cao trình độ nghiệp vụ, tác phong làm việc, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ cho cán bộ, nhân viên ngân hàng; quan tâm chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng của đội ngũ các tổ liên kết, tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở.

Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang tham dự Hội nghị trực tuyến về tập huấn nghiệp vụ chuyên môn

Từ đó đã có bước phát triển mạnh mẽ về đầu tư, tăng trưởng tín dụng và đạt được những kết quả quan trọng: Đến 30/9/2021, dư nợ tín dụng toàn tỉnh là 13.866 tỷ đồng, tăng 12.395 tỷ đồng (gấp 9,4 lần) so với thời điểm 31/12/2008 (trong đó: Tín dụng thương mại: 10.952 tỷ đồng, tín dụng chính sách: 2.914 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20%/ năm, chiếm tỷ trọng 65,5% trên tổng vốn đầu tư tín dụng.

Qua đầu tư tín dụng và cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo thế mạnh từng vùng, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển hàng hóa tập trung như: cây mía, cây chè, cây cam sành, cây bưởi, cây lạc, các vùng cây ăn quả và cây gỗ nguyên liệu; con trâu, con bò, con lợn, con cá, gia cầm... góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, phát huy vai trò của kinh tế hộ gia đình, tạo điều kiện hỗ trợ mô hình kinh kế trang trại, gia trại phát triển mạnh, hỗ trợ kinh tế hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần quan trọng trong thực hiện hoàn thành mục tiêu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới và nâng số tiêu chí đạt chuẩn tại các xã trên địa bàn tỉnh hàng năm.

Phát huy những kết quả đạt được, ngành Ngân hàng tỉnh Tuyên Quang xác định mục tiêu giai đoạn 2021- 2025, đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tăng trưởng từ 14% trở lên. Thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, nhiều tiện ích đáp ứng nhu cầu thanh toán và đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt là các mục tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới./.

Trần Gia Lam/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục