Chuyện xây dựng nông thôn mới ở Đại Phú

“Trong muôn vàn cách thoát nghèo, chúng tôi chọn cách khơi dậy sự năng động, ý chí vươn lên của người dân. Cách làm này, mới đầu tưởng chừng khó khăn, nhưng lại hiệu quả không ngờ, bởi lẽ, không người nông dân nào muốn mình bị thụt lùi so với hàng xóm láng giềng. Những cuộc ganh đua thầm lặng đã tạo ra động lực mạnh mẽ để họ vươn lên” - ông Trần Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Phú (Sơn Dương) tự hào khi nói về người dân xã ông.

Làng nhỏ chí lớn

Làng nhỏ mà không bé, dân ít mà không thiếu, là cách cán bộ xã Đại Phú nói về Vinh Phú - thôn được chọn xây dựng là khu dân cư kiểu mẫu khi xã Đại Phú đăng ký về đích nông thôn mới năm 2017.

Ông Nguyễn Xuân Thu, Trưởng thôn Vinh Phú chia sẻ, để trở thành kiểu mẫu, Vinh Phú nỗ lực từ những việc nhỏ nhất: Từ chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm, gương mẫu trong nếp sống, sinh hoạt đến việc cải tạo vườn tạp, nâng cao thu nhập. Cả thôn có 57 hộ dân, thì mỗi hộ là một gia đình kiểu mẫu. Chuyện xích mích, cãi cọ, vứt rác bừa bãi... ở Vinh Phú không mấy khi xảy ra.  

Nhưng kiểu mẫu nhất là chuyện thu nhập. Vinh Phú vốn chỉ có 4,2 ha đất sản xuất, trong đó có 2,2 ha ruộng, còn lại là đất đồi, đất vườn... Với phương châm “không cho đất nghỉ”, bà con trong thôn đa dạng hóa cây trồng. Mùa nào thức nấy, vụ đông là cây ớt, cây ngô, vụ xuân hè là bí xanh, rau màu các loại. Mỗi sào ruộng mỗi vụ cũng để ra được chục triệu đồng.

Nhưng ông Thu bảo, hoa màu chỉ là thu nhập phụ thôi, thu nhập chính của bà con ở đây vẫn là cây mía. Bà con trồng mía trên diện tích đất đồi, nhà nào có vườn thì cải tạo trồng trên diện tích vườn tạp. Nhiều nhà như ông Khúc Văn Minh, Phạm Văn Màu, Phạm Văn Bảy, Khúc Văn Ghi, có từ 0,7 - 1 ha mía, mỗi vụ thu về 40 tấn; nhà ông Nguyễn Xuân Thu có 7 sào mía năm 2016 thu 30 tấn, thu về 27 triệu đồng. 


Thôn Vinh Phú - Khu dân cư kiểu mẫu của xã Đại Phú.

Trong khi bà con nhiều địa phương bỏ cây mía trồng cây ăn quả hoặc các loại cây ngắn ngày do thiếu lao động khiến diện tích mía ngày càng giảm, thì Vinh Phú ngược lại, diện tích mía mỗi năm lại tăng lên. Năm 2016, cả thôn có 10 ha mía thì sang năm nay tăng lên 11,8 ha. Ông Thu bảo, nếu còn đất, chúng tôi còn mở rộng diện tích ra thêm nữa, vì với người nông dân không có loại cây nào cho thu nhập ổn định, đầu ra được đảm bảo như cây mía. Nhưng vừa rồi rà soát, trong thôn đã không còn diện tích đất trống nào, nên bà con bảo nhau thâm canh tăng năng suất. 

Khắc phục tình trạng thiếu lao động, cách làm của Vinh Phú là đổi công. Ông Thu bảo, mỗi vụ thu hoạch, cả thôn như đông vui hơn. Nhà nào đăng ký thu hoạch trước, cả thôn tập trung người lại, chỉ trong 1 ngày đã thu hoạch xong cả ha mía, nền nếp này được duy trì từ những ngày lập làng - năm 1975 và được duy trì cho đến ngày nay. 

Những người năng động

Vốn là xã có đến 70% trong tổng số trên 2.000 hộ dân thu nhập phụ thuộc vào chăn nuôi lợn, cuộc khủng hoảng giá lợn từ cuối năm 2016 ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân Đại Phú. Trước vấn đề này, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao tiêu chí thu nhập, trong đó trọng tâm là nhân rộng các điển hình. 

Trang trại chăn nuôi gà, vịt lấy trứng của cặp vợ chồng trẻ Đỗ Văn Đại, Nguyễn Thị Bích, thôn Tứ Thể từ 2 năm nay đã trở thành điểm tham quan, học tập của bà con trong thôn, trong xã. Chị Bích cho biết, khi cả xã bắt tay vào chăn nuôi lợn thì vợ chồng chị đầu tư chăn nuôi gia cầm lấy trứng, một phần để khẳng định sức trẻ của mình, một phần để đảm bảo về mặt đầu ra. Hiện trang trại của anh chị nuôi gần 3.000 con gà, 2.000 con vịt lấy trứng, mỗi ngày trung bình thu về 2.500 quả trứng. Đầu năm 2017, anh chị mở rộng trang trại lên diện tích 4.000 m2 để trồng các loại cây ăn quả như bưởi, ổi, na, hồng... 

Theo ông Nguyễn Văn Đối, Trưởng thôn Tứ Thể, cả thôn có 79 hộ dân thì 100% chăn nuôi lợn. Sau cuộc khủng hoảng, nhà lỗ ít cũng vài chục triệu đồng, nhà nhiều lên vài trăm triệu đồng, ngay như nhà ông cũng lỗ mất 200 triệu đồng. Trước thực tế này cả thôn tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với gần 2 ha trồng các loại rau màu như ớt, bí, cà chua... Thực hiện tốt việc tăng gia sản xuất, nên trong năm nay Tứ Thể sẽ giảm 5 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo; thu nhập người dân bình quân hiện đạt trên 2 triệu đồng/người/tháng. 


Trang trại chăn nuôi gia cầm lấy trứng của chị Nguyễn Thị Bích, thôn Tứ Thể, mỗi tháng thu lãi gần 30 triệu đồng.

Với những nhà ít đất, trong khi chăn nuôi lợn bị “treo chuồng”, bà con trong xã bảo nhau xin đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước. Phó Chủ tịch UBND xã Trần Hạnh tính nhẩm, giữa năm 2017 Đại Phú có gần 200 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, chủ yếu ở Vĩnh Phúc, giờ có gần 2.000 lao động. Ngày 2 lần, xe ô tô từ các khu công nghiệp đến khắp các thôn, các xóm đón lao động đi làm việc.

Bình quân mỗi lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp có thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Hà, thôn Đồng Na, một trong những lao động đi làm việc tại một công ty thuộc tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trước đây gia đình chị nuôi mỗi lứa từ 50 con lợn trở lên. Sau khi giá lợn hơi giảm mạnh, chị xin đi làm công nhân, với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. 

Thôn Thạch Khuân cũng là một trong thôn chịu ảnh hưởng từ việc giảm giá lợn. Theo ông Hoàng Văn Thung, Trưởng thôn Thạch Khuân, cả thôn có 80/100 hộ chăn nuôi lợn. Ngay khi giá lợn hơi giảm mạnh, thôn đã vận động được hơn 20 lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Theo UBND xã Đại Phú, năm nay kế hoạch của xã là giảm 170 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo về dưới mức 11%. 

Nhân lên giá trị truyền thống

Đại Phú hiện duy trì 2 câu lạc bộ Sình ca tại thôn Mãn Hóa - thôn có 110 hộ đều là đồng bào dân tộc Cao Lan - bao gồm 1 câu lạc bộ của người cao tuổi với hơn 60 thành viên và 1 câu lạc bộ thanh niên giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc với 30 thành viên. 

Nghệ nhân Sầm Dừn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sình ca thôn vừa vinh dự được Hội Văn nghệ dân gian công nhận là Nghệ nhân ưu tú văn hóa dân gian đã khôi phục được nhiều điệu múa, câu hát bị thất truyền như Múa cầu lành, múa hội lồng tồng, múa khai lộ, múa khai đèn... Hiện, ông đang lưu giữ 200 đầu sách cổ, 8 tập sách hát Sình ca và các nhạc cụ truyền thống như trống sành, chũm chọe, sóc nhạc... 

Con trai ông là Sầm Văn Đạo, Phó trưởng thôn Mãn Hóa cũng đứng ra thành lập và được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc. Câu lạc bộ có 30 thành viên, thì 20 thành viên đi làm việc tại các khu công nghiệp, những dịp lễ Tết, ngày hội lại tập trung cùng nhau ôn lại những lời ca, điệu múa truyền thống.

Những điệu múa, tiếng hát Sình ca đong đầy khát vọng của người dân nơi này góp phần nâng bước cho Đại Phú cán đích nông thôn mới…

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục