Cuộc sống mới đồng bào Cao Lan ở Cấp Tiến

Những năm gần đây, đời sống của hơn 600 hộ đồng bào Cao Lan ở xã Cấp Tiến (Sơn Dương) đã có nhiều đổi mới. Nhiều gia đình đã vươn lên có cuộc sống khá giàu, hộ nghèo giảm nhanh đã thành động lực để người dân chung sức với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.

 Ông Hoàng Ngọc Vinh, Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến cho biết, việc chủ động, năng động trong phát triển kinh tế là nét nổi bật để người dân thay đổi về mọi mặt đời sống. Hiện các hộ đều tập trung phát triển kinh tế rừng kết hợp với chăn nuôi để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, thanh niên đi làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nên đã có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện để cải tạo nhà cửa, đầu tư làm ăn lớn hơn…

Thôn Thái Bình có 150 hộ đồng bào Cao Lan. Trước đây thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã, nhưng giờ đã trở thành một trong những thôn có kinh tế đứng đầu xã. Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Lâm Văn Phú khoe, so với 5 năm trước thì kinh tế của đồng bào Cao Lan ở Thái Bình giờ khá hơn rất nhiều. Với 300 ha rừng keo, phát triển các nghề phụ như nghề thủ công mỹ nghệ, xây… người dân đã xây được nhà, nuôi con cái ăn học đàng hoàng. Hiện thôn chỉ còn 10 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều.

Thôn có nhiều hộ chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa như hộ ông Phan Văn Hà, Hoàng Văn Hải, Lâm Văn Tranh, Hoàng Văn Qúy… mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Đặc biệt, anh Lê Văn Tiến đã mang nghề thủ công mỹ nghệ làm sợi mây nhựa về thôn. Anh đã mở xưởng sản xuất, giải quyết cho nhiều lao động nữ ở địa phương, góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Có thu nhập, người dân đã tự nguyện đóng góp làm được 3.000 m đường bê tông nông thôn, đóng góp tiền trên 120 triệu đồng, ngày công làm nhà văn hóa vừa hoàn thành trong năm 2019.


Ông Trương Văn Châu (bên trái) thôn Hòa Bình nuôi chim bồ câu, thu nhập 70 triệu đồng/năm.

“Ba năm trở lại đây, người Cao Lan ở thôn Đồng Chiêm đã khá hơn nhiều, cả thôn có 213 hộ với 915 nhân khẩu. Có gần 40% số hộ có cuộc sống khá trở lên, chỉ còn 12 hộ nghèo”, đó là khẳng định của anh Trần Văn Hành, Trưởng thôn Đồng Chiêm.

Anh Hành lý giải, phát triển được như hôm nay là do bà con đã tích cực phát triển kinh tế vườn rừng. Cả thôn có trên 150 ha rừng sản xuất, trong đó 60 ha của dân, trên 95 ha rừng liên doanh với doanh nghiệp đã tạo ra khoản thu “ra tấm ra món” để người dân đầu tư làm nhà, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, do gần khu công nghiệp của tỉnh nên 100% thanh niên có việc làm ổn định. Năm 2015 thu nhập bình quân đạt 16 triệu đồng/người/năm, đến năm 2018 tăng lên 33 triệu đồng/người/năm.

Bà trần Thị Thực, năm nay đã 77 tuổi phấn khởi cho biết: “Đổi mới lắm! Giờ đường bê tông về tận ngõ, vừa có cả nhà văn hóa, sân thể thao thôn khang trang để mọi người chơi thể thao, tập văn nghệ. Cuộc sống thì không còn thiếu thốn, nghèo khổ như trước nữa. Đúng là cuộc sống mới hoàn toàn”.

Trưởng thôn Đồng Chiêm Trần Văn Hành chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc rừng trồng với người dân.

Kinh tế phát triển, thu nhập được nâng lên rõ rệt là điều kiện để đồng bào Cao Lan chung sức thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Anh Nguyễn Xuân Trường, Trưởng thôn Hòa Bình cho biết: Thôn có 133 hộ, 70% là đồng bào Cao Lan. Khi triển khai các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đều được người dân hưởng ứng tích cực. Đến nay thôn đã bê tông được gần 3 km đường trục thôn, đạt 100% kế hoạch; xây dựng nhà văn hóa trị giá trên 300 triệu đồng; thu nhập bình quân đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng, đến nay thôn đạt 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.


Nhà văn hóa thôn Đồng Chiêm được xây dựng từ sự hỗ trợ theo Nghị quyết 03 HĐND tỉnh.

Từ sự chủ động trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, chung sức xây dựng hạ tầng, đồng bào Cao Lan ở Cấp Tiến đã và đang cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2019.

Bài, ảnh: Trang Tâm/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục