Khi lãnh đạo quyết liệt, dân đồng thuận

Chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) đã thực sự mang lại những đổi thay trong mỗi gia đình. Từ sự lãnh đạo quyết liệt và làm tốt công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể nơi đây đã phát huy vai trò chủ thể, đồng thuận cao trong xây dựng nông thôn mới của người dân.

Chuyện hiến “tấc vàng” của đảng viên

Khi xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ xã Tân Thịnh đã coi trọng vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên để từ đó làm công tác dân vận. Chuyện nhiều đảng viên ở Tân Thịnh hiến cả nghìn mét vuông đất mặt đường, đất vườn, ruộng để thôn làm nhà văn hóa, làm đường giao thông đã tạo niềm tin và sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.


Đảng viên Hà Phúc Luyện, người có uy tín trong thôn Đồng Quang đã tự nguyện hiến trên 1000m2 đất để làm nhà văn hóa thôn.

Câu chuyện đảng viên Hà Phúc Luyện, người có uy tín thôn Đồng Quang khiến nhiều người đi từ bất ngờ đến cảm phục. Khi thôn triển khai làm nhà văn hóa theo quy mô lớn hơn mà không có đủ đất, ông Luyện đã chủ động thương thảo với một hộ dân khác trong thôn có đất liền kề với nhà văn hóa để tự nguyện hiến hơn 1.000 mét vuông đất gần mặt đường cho thôn làm nhà văn hóa. Ngoài ra, ông còn đóng góp bàn, ghế, 1 tấn xi măng, trên 10m3 cát và nhiều vật dụng khác cho thôn. Ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng thôn Đồng Quang cho biết, chuyện đảng viên hiến hàng nghìn mét vuông đất làm nhà văn hóa đã khiến cho công tác vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ vật chất, ngày công lao động thuận lợi hơn rất nhiều. Chia sẻ về việc hiến hơn 1.000m2 đất cho thôn, ông Hà Phúc Luyện bảo: “Làm cán bộ thì mình phải tránh nói tốt mà làm không tốt. Việc gì có lợi cho nhân dân thì mình làm mà không hề tiếc”.

Cùng với tấm gương của đảng viên Hà Phúc Luyện còn có đảng viên Tạ Văn Tấu, thôn Phúc An hiến 500 mét vuông đất ruộng 2 vụ lúa để thôn bên cạnh làm nhà văn hóa. Anh Hà Vĩnh Toán, trưởng thôn Phúc Linh kể: Vừa qua, thôn triển khai làm nhà văn hóa nhưng không đủ diện tích để làm, đảng viên Tạ Văn Tấu là người của thôn bên cạnh đã tự nguyện xin hiến đất để thôn Phúc Linh làm nhà văn hóa. Tấm gương vì việc công mà quên đi lợi ích của cá nhân của đảng viên Tạ Văn Tấu thực sự là tấm gương cho các đảng viên và nhân dân học tập.


Nhà văn hóa thôn Phúc Linh hoàn thành nhờ sự hiến đất của đảng viên Tạ Văn Tấu, thôn Phúc An.

Lấy tinh thần nêu gương của đảng viên để làm công tác dân vận nên việc triển khai xây dựng mới 10/10 nhà văn hóa ở các thôn đều hoàn thành đúng kế hoạch và nhận được sự đồng thuận của nhân dân.

Cấp ủy định hướng, nhân dân làm chủ

Ông Lê Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết, đến nay, Tân Thịnh đã đạt 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, những tiêu chí khó đạt như môi trường, nhà ở, thu nhập đầu người đã được tháo gỡ nhờ phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân. Đối với những tiêu chí khó đạt, cấp ủy, chính quyền xã đã tăng cường định hướng cách làm, kêu gọi xã hội hóa để cùng nhân dân thực hiện. Điển hình như khi thực hiện tiêu chí môi trường và nhà ở dân cư, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể xã đã kết nối với các tổ chức hảo tâm, thậm chí là cử cán bộ đi học tập mô hình làm các công trình vệ sinh ở các địa phương khác để về phổ biến cho nhân dân. Sau khi đi học tập mô hình làm nhà vệ sinh ở các huyện, xã chọn một số hộ làm điểm. Sau đó cử cán bộ, đảng viên phụ trách vận động, hướng dẫn và giúp đỡ nhóm hộ gia đình để thực hiện. Đối với những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, xã hỗ trợ toàn bộ phần mái công trình vệ sinh.


Một đoạn đường bê tông thôn Nà Nghè vừa hoàn thành.

Ông Lý Văn Cối, thôn An Thịnh cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cứ nghĩ làm nhà vệ sinh tự hoại mất nhiều tiền lắm, nhưng sau khi được xã vận động, giúp đỡ, tôi quyết tâm làm. Làm xong mới thấy là chi phí không mất nhiều mà lại đảm bảo vệ sinh”. Nhiều hộ như hộ ông Cối cũng đã làm được nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn mà không tốn kém. Đến nay, số hộ có 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn. Xã cũng hoàn thành việc xóa 34 nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo nhờ sự quyết liệt của cấp ủy và sự vào cuộc của nhân dân. Nhiều hộ nghèo như hộ chị Lý Thị Hoa, Vàng Sử Sèn, thôn Phúc An; Lý Văn Lang, thôn An Thịnh; Nguyễn Văn Biên, thôn Lăng Luông làm được nhà ở mới từ 100% kinh phí xã hội hóa.

Nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy xã Tân Thịnh đã chỉ đạo chính quyền và các tổ chức, đoàn thể vận động, định hướng cho nhân dân xây dựng các mô hình kinh tế mang lại giá trị kinh tế cao, tạo điều kiện để nhân dân tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật và vốn vay. Đến nay, Tân Thịnh đã có 6 trang trại tổng hợp được công nhận. Nhiều mô hình nuôi trâu vỗ béo, trồng cam, nuôi gà thịt, trồng ớt, trồng ngô ngọt đã giúp đời sống người dân khấm khá.

Hộ ông Lèng Văn Hảo, thôn Nà Nghè được chuyển giao khoa học kỹ thuật đã đầu tư nuôi gà thịt, nâng cao thu nhập.

Ông Lèng Văn Hảo, thôn Nà Nghè phấn khởi cho biết: “Năm 2018, được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi gà thịt do xã tổ chức lại được tạo điều kiện vay 150 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi và con trai quyết định đầu tư khu chăn nuôi gà thịt. Vừa qua, gia đình tôi xuất bán 2 tấn gà thịt, thu lãi hơn 30 triệu đồng, hiện đang đầu tư 2.000 con gà giống để nuôi. Tôi nhận thấy, xây dựng nông thôn mới thành công thì ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền thì mỗi gia đình cũng phải nỗ lực, làm chủ và làm giàu trên chính mảnh đất của mình”.

Đến hết năm nay, Tân Thịnh phấn đấu mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,8% xuống còn dưới 6% và hoàn thành nốt hai tiêu chí còn lại là cơ sở vật chất văn hóa và y tế. Với sự đồng thuận và tinh thần làm chủ của người dân, việc đạt tiêu chí nông thôn mới ở Tân Thịnh chắc chắn không còn là chuyện xa vời nữa.

Bài, ảnh: Thủy Châu/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục