Xây dựng các mô hình kinh tế trong đoàn viên thanh niên

- Xác định vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới, các cấp bộ Đoàn của huyện Yên Sơn đã phát huy vai trò đồng hành, đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế, trọng tâm là khuyến khích, xây dựng mới các mô hình kinh tế trong đoàn viên, thanh niên (ĐVTN).

Theo đồng chí Trần Đức Luân, Bí thư Huyện đoàn Yên Sơn, hàng năm, Huyện đoàn chỉ đạo mỗi cơ sở đoàn xã xây dựng mới 1 mô hình kinh tế do ĐVTN làm chủ. Năm 2020, Huyện đoàn xây dựng được 32 mô hình kinh tế, vượt 4 mô hình, đạt 114,2% so với chỉ tiêu, kế hoạch; nâng tổng số mô hình kinh tế của ĐVTN toàn huyện lên 87 mô hình.

Để xây dựng các mô hình thực chất, không chạy theo số lượng, hình thức, đội ngũ cán bộ đoàn từ xã đến chi đoàn thôn, bản thường xuyên sát sao nắm tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN nông thôn; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho ĐVTN nông thôn về vai trò của ĐVTN trong phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ cán bộ Đoàn cũng làm tốt công tác định hướng cho ĐVTN xây dựng các mô hình kinh tế từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương, với các cây trồng, vật nuôi chủ lực. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, Hội LHPN để giúp đỡ ĐVTN cũng là hội viên của các tổ chức nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về vốn, về khoa học, kỹ thuật.

Hằng năm, Huyện đoàn đã tổ chức cho hàng trăm lượt cán bộ đoàn các cấp trực tiếp đi tham quan học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập cao từ 300 - 500 triệu đồng/năm trên địa bàn huyện. Qua đó, cán bộ đoàn làm tốt hơn công tác định hướng cho ĐVTN tại địa phương cách làm và học tập kinh nghiệm; trực tiếp kết nối cho ĐVTN được giao lưu học hỏi kinh nghiệm tại các mô hình.

Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn toàn huyện đã làm tốt công tác tín chấp với Ngân hàng CSXH; tiếp cận, lồng ghép, vận dụng linh hoạt các nguồn vốn vay dự án hỗ trợ sản xuất của địa phương cho ĐVTN. Hiện nay, tổ chức Đoàn đã tín chấp với Ngân hàng CSXH trên 93 tỷ đồng vốn vay phát triển kinh tế. Năm 2020, Huyện đoàn hỗ trợ 2 đoàn viên có mô hình kinh tế mới vay nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm 120 tại xã Phúc Ninh và Lang Quán. Đoàn viên Lý Văn Ngọ, thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh bày tỏ “Được Đoàn xã giúp đỡ, tôi được vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn 120 để phát triển mô hình trồng bưởi. Nhờ có sự đồng hành của tổ chức Đoàn, tôi bớt khó khăn hơn trong hành trình lập nghiệp”.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Bí thư Đoàn xã Mỹ Bằng bày tỏ, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu với thu nhập bình quân 60 triệu đồng/người/năm, thời gian tới, tổ chức Đoàn sẽ tăng cường vận động, xây dựng mô hình kinh tế tập thể trong thanh niên gắn với phát triển cây trồng chủ lực là cây chè, vật nuôi chủ lực là con gà, phát triển chuỗi liên kết sản xuất trong các mô hình kinh tế tập thể nhằm nâng cao thu nhập. Trong tháng 3-2021, tổ chức đoàn đã vận động, hỗ trợ thành lập mới 1 HTX Nông nghiệp và dịch vụ Mỹ Bằng với 20 thành viên, trong đó 10 thành viên là ĐVTN. HTX quản lý 2 thương hiệu gà chất lượng cao xã Mỹ Bằng và trứng gà sạch Bùi Hùng, nguồn vốn điều lệ trên 200 triệu đồng.

Bí thư Huyện đoàn Trần Đức Luân cho biết thêm, UBND huyện vừa triển khai Đề án “Phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trên địa bàn huyện Yên Sơn, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030”, Đề án “Xây dựng Làng văn hóa dân tộc Cao Lan, thôn Động Sơn, xã Chân Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng”. Từ 2 Đề án, Huyện đoàn sẽ cụ thể hóa, chỉ đạo các cơ sở đoàn vận động, tuyên truyền ĐVTV xây dựng mới mô hình kinh tế mang tính đột phá, sáng tạo để góp phần thực hiện hiệu quả 2 đề án, phát huy sức trẻ vào phát triển kinh tế của địa phương.

Bài, ảnh: Bích Hằng/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục