Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội chủ động, tích cực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

Cùng với cả nước, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang không ngừng được đẩy mạnh thực hiện, với tinh thần thi đua sôi nổi, rộng khắp, thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, sự chủ động vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Hòa chung với tinh thần thi đua đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm của ngành trong tổ chức thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới thuộc lĩnh vực ngành quản lý, phụ trách và đạt được những kết quả quan trọng góp phần nâng số tiêu chí bình quân chung toàn tỉnh qua các năm.

Lãnh đạo Sở Lao động TB và XH phát biểu tại phiên Giao dịch việc làm huyện Sơn Dương

Thời gian qua, để thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã nông thôn mới do ngành phụ trách, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang đã chủ động thông tin tuyên truyền tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành về chủ trương, chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới. Để mỗi cán bộ, đảng viên và người lao động nhận thức được vai trò, trách nhiệm và nhiệm vụ của mình trong thực hiện phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Đồng chí Lê Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, để thực hiện nhiệm vụ được giao và góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm từng bước củng cố, hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã nông thôn mới. Từ đó đã đạt được kết quả quan trọng:


Lãnh đạo Sở Lao động TB và XH trao tặng quà cho đối tượng chính sách

Tiêu chí Hộ nghèo: Sở đã chỉ đạo, triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; rà soát, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân triển khai kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội. Trong 03 năm (2016 - 2018) đã triển khai hỗ trợ 2.147,546 tấn gạo cho trên 41.000 lượt hộ có nguy cơ bị thiếu lương thực dịp tết nguyên đán và giáp hạt hàng năm; duy trì trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 23.000 đối tượng. Đã góp phần giảm mạnh và bền vững số hộ nghèo toàn tỉnh, giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 từ 27,81% xuống còn 19,32% năm 2017. Ước thực hiện đến hết năm 2018 giảm còn 15,83% (bình quân giảm 3,99%/năm).  

Tiêu chí lao động có việc làm: Sở cũng chỉ đạo và thực hiện tốt công tác tư vấn giới thiệu việc làm và đào tạo nghề; mỗi năm tổ chức 4 đến 5 phiên giao dịch việc làm tại các địa bàn trong tỉnh, đã thu hút nhiều doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh tham gia tuyển dụng, tuyển sinh. Đồng thời triển khai các biện pháp phân luồng, định hướng giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh tốt nghiệp bậc học trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đối với lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đã chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm mới.


Mô hình tự động hóa được trưng bầy tại phiên Giao dịch việc làm huyện Sơn Dương

Kết quả trong 03 năm (2016 - 2018) đã cung cấp 734 lượt thông tin tuyển dụng lao động trên website vieclamtuyenquang.gov.vn và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử việc làm quốc gia; tư vấn lao động việc làm và học nghề cho trên 17.800 lượt người; triển khai trợ cấp thất nghiệp cho trên 3.600 lao động, với tổng số tiền 36 tỷ đồng. Đồng thời phối hợp với các huyện, thành phố, các sở, ngành, doanh nghiệp tạo việc làm cho 66.618 lao động (trong đó năm 2016: 21.863 lao động; năm 2017: 22.360 lao động; năm 2018: 22.395 lao động).

Chỉ tiêu Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo: Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động. Hướng dẫn các huyện, thành phố và các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh triển khai kế hoạch dạy nghề và tổ chức lồng ghép các chương trình đề án, dự án để tập trung thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời củng cố phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có điều kiện tiếp cận và tham gia học nghề thuận tiện. Từ đó trong 3 năm đã triển khai đào tạo gần 30.000 lao động, trong đó có trên 12.000 lao động nông thôn được hỗ trợ kinh phí học nghề. Kết quả trên đã góp phần nâng tỷ lệ qua đào tạo từ 48,50% năm 2016 lên 51,3% năm 2017 và dự kiến năm 2018 là 54,0%. Trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề lần lượt là 29,7% năm 2016, 31,0% năm 2017 và 33,0% năm 2018.

Chỉ tiêu đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội: Để hoàn thành chỉ tiêu, Sở đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016- 2020;


Tổ chức dạy nghề May công nghiệp cho lao động nông thôn tại huyện Yên Sơn

Kế hoạch thực hiện Đề án "Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động Vì sự tiến bộ của phụ nữ triển khai đến các ngành, thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, các sở, ngành, các huyện, thành phố tổ chức thực hiện. Triển khai Mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng, lựa chọn xã Phúc Thịnh - huyện Chiêm Hóa để làm thí điểm mô hình. Đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các đại biểu đại diện Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh về kiến thức bình đẳng giới, biện pháp phòng ngừa và ứng phó với bạo lực tại trường học.

Từ những cố gắng và nỗ lực của ngành lao động, thương binh và xã hội đã góp phần không nhỏ để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Các tiêu chí, chỉ tiêu lần lượt các năm đều tăng hoặc giữ vững, cụ thể: Tiêu chí Hộ nghèo, số xã đạt tiêu chí năm 2016 là 31 xã, năm 2017 là 41 xã, dự kiến cuối năm 2018 là 46 xã; Tiêu chí Lao động có việc làm, các năm luôn giữ vững số xã đạt 129/129 xã; Chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo, các năm luôn giữ vững số xã đạt 129/129 xã; Chỉ tiêu đảm bảo bình đẳng giới, số xã đạt chỉ tiêu năm 2017 là 33 xã, dự kiến cuối năm 2018 là 45 xã. Với giải pháp cụ thể đã được xác định trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã nông thôn mới, những năm tiếp theo, ngành lao động, thương binh và xã hội sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của tỉnh Tuyên Quang./.

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục