Nâng cao chất lượng giáo dục góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Cùng với các ngành được giao nhiệm nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển trường lớp, mở rộng quy mô giáo dục trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo Sở  Giáo dục và Đào tạo kiểm tra tại trường THCS xã Thái Bình, huyện Yên Sơn

Đồng chí Nguyễn Minh Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, “năm 2019, là năm cuối giai đoạn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2010-2019. Để hoàn thành mục tiêu Chương trình của tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ của các ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc đẩy mạnh thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu tiêu chí xây dựng nông thôn mới do ngành phụ trách. Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và ban hành văn bản số 154/SGDĐT-KHTC ngày 13/3/2019 về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2020; văn bản số 306/SGDĐT-KHTC ngày 06/5/2019 về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí giáo dục xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu; Kế hoạch số 33/KH-SGDĐT 15/05/2019 về việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong trường học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2019. Tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường học góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể, đầu tư 6,222 tỷ đồng đề mua sắm trang thiết bị cho trường học các cấp; đầu tư 46,687 tỷ đồng xây dựng 52 đầu điểm công trình trường học từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.

Đồng chí Trần Thiện Toản, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính - Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang cho biết, đến nay, ngành giáo dục đã tổ chức triển khai cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao: đã tổ chức đầu tư trang cấp thiết bị, bàn ghế học sinh cho 26 trường học các cấp, gồm 8 trường Mầm non, 9 trường Tiểu học, 8 trường THCS và 01 trường liên cấp Tiểu học - Trung học cơ sở ở các xã mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới theo đúng quy định, kịp thời trước năm học mới; phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các ngành liên quan triển khai xây dựng các công trình phòng học, phòng chức năng ở 52 đầu điểm công trình. Đến nay có 38/52 điểm công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, cụ thể: huyện Lâm Bình 2/2 công trình; huyện Na Hang 2/2 công trình; huyện Chiêm Hóa 5/8 công trình; huyện Hàm Yên 10/15 công trình, huyện Yên Sơn 10/13 công trình; huyện Sơn Dương 9/12 công trình; còn 14 công trình đang triển khai xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019.


Giờ học của các cháu trường Mầm non xã Tân Trào, huyện Sơn Dương

Đến thăm công trình liên trường trường Mầm non, Tiểu học và THCS xã Hồng Thái, huyện Na Hang đang triển khai xây dựng, ông Bàn Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết, “tiêu chí Trường học là tiêu chí thực hiện khó nhất đối với xã Hồng Thái trong năm 2019, vì địa hình đồi núi phức tạp, muốn xây dựng được trường học phải chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng. Qua rà soát, đánh giá từ cuối năm 2018, để hoàn thành tiêu chí trường học, đồng thời thực hiện kế hoạch dồn các điểm trường về tập trung tại trung tâm, Hồng Thái cần tới trên 9 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trường học. Đầu năm 2019, tỉnh đã bố trí 4,844 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, huyện Na Hang cũng đã bố trí 4,256 tỷ đồng ngân sách địa phương để xây dựng. Đến tháng 7/2019, công trình các phòng học trường Mầm non đã hoàn thành. Đến nay các phòng học trường Tiểu học và THCS đang triển khai xây dựng. Dự kiến trong quý I năm 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.


Một buổi ngoại khóa của thầy và trò trường THPT Xuân Huy

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 479 trường học, trong đó: Trường mầm non 150 trường (03 trường ngoài công lập), trong đó trường có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia là 47 trường; trường tiểu học 143 trường (01 trường ngoài công lập), trong đó trường có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia là 68 trường; trường THCS 156 trường (21 trường liên cấp tiểu học và THCS, 06 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS, 19 trường phổ thông dân tộc bán trú), trong đó trường có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia là 63 trường ; 30 trường THPT (01 trường chuyên, 02 trường phổ thông dân tộc nội trú THPT).

Đánh giá về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí ngành Giáo dục phụ trách trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng chí Nguyễn Minh Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, “Trong điều kiện ngân sách hạn chế, nhu cầu đầu tư lớn, việc từng bước nâng cao chất lượng và nâng số xã hoàn thành tiêu chí giáo dục đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị ở tỉnh Tuyên Quang nói chung và ngành giáo dục nói riêng. Kết quả nổi bật như: Số trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia tăng lên đáng kể, tăng 345%: Năm 2010 mới có 33 trường đạt, đến năm 2015 có 75 trường đạt, và dự kiến đến hết năm 2019 có 114 trường đạt. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì và nâng cao: 129/129 xã đều đạt chuẩn PCGDMN TNT; năm 2010 có 129/129 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức 1, đến năm 2018 đã có 23/129 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức 2 và 106/129 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức 3; năm 2010 có 129/129 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học (tương đương mức 1), đến năm 2018 có 1/129 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học mức1,71/129 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học mức 2 và 57/129 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học mức 3”.

Với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn ngành, Giáo dục đã có sự đóng góp quan trọng góp phần vào thành công của sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Theo báo cáo đến tháng 12/2019, toàn tỉnh có 56/129 xã đạt tiêu chí số 5 Trường học (tăng 8 xã so với năm 2018); 129/129 xã đạt tiêu chí số 14 Giáo dục và Đào tạo (duy trì và giữ vững so với năm 2019).

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục