Bất cập trong xử lý rác thải khu vực nông thôn

Chất thải rắn, chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn đã trở thành vấn đề nổi cộm khi lượng rác thải nông thôn phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại, đặc biệt là rác thải nhựa, ni lông dùng một lần. Trong khi đó, việc thu gom, xử lý vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường, khối lượng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn phát sinh mỗi ngày khoảng 202 tấn. Dự báo đến năm 2025, dân số tỉnh Tuyên Quang tăng trên 713 nghìn người, khi đó khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát thải là 285 tấn/ngày. Nếu tỷ lệ thu gom rác thải tại khu vực đô thị đạt trên 96%, thì tại khu vực nông thôn, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 30%, tương đương 60,6 tấn/ngày. Các khu vực được thu gom chủ yếu là tại các điểm dân cư tập trung gần khu vực trung tâm xã. 

Xã Hợp Thành (Sơn Dương) có kế hoạch về đích nông thôn mới năm 2020. Ông Hoàng Thế Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết, trong số 5 tiêu chí chưa hoàn thành, ngoài các tiêu chí về hạ tầng, thì tiêu chí môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí xã xác định là khó thực hiện. Trên địa bàn xã hiện chưa có đơn vị, tổ chức nào thu gom rác thải sinh hoạt của người dân. Giải pháp mà xã đang khuyến khích, vận động người dân trong xử lý chất thải sinh hoạt là tự đào hố xử lý rác thải tại nhà. Tuy nhiên, theo ông Mạnh, cái khó là các hố thu gom, xử lý rác thải tại nhà chỉ có thể xử lý được những rác thải có thể đốt được, những rác thải nhựa như ni lông, chai nhựa… người dân lại không thể tự xử lý được. Hợp Thành hiện đang lựa chọn địa điểm khu xử lý rác thải tập trung và xây dựng giải pháp để người dân thu gom rác thải tập kết tại các khu dân cư và thuê Chi nhánh Công ty dịch vụ môi trường và quản lý đô thị tại Sơn Dương thu gom. 


Đoàn thanh niên xã Hà Lang (Chiêm Hóa) xây dựng lò đốt rác thải công cộng, thu gom xử lý túi ni lông và rác thải nhựa trên địa bàn xã.  Ảnh: Thu Hằng

Không chỉ Hợp Thành, tại nhiều xã đã về đích nông thôn mới, việc thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt vẫn đang là bài toán khó. Ông Đinh Hồng Phi, Chủ tịch UBND xã Nhân Mục (Hàm Yên) cho biết, hiện trên địa bàn xã mới chỉ hợp đồng với Chi nhánh Công ty cổ phần dịch vụ môi trường và quản lý đô thị Hàm Yên thu gom rác thải sinh hoạt của người dân nằm ở khu vực trung tâm xã, khoảng trên 300 hộ dân, chiếm khoảng 1/3 tổng số hộ dân toàn xã. Các hộ còn lại, xã vận động người dân tự thu gom, xử lý tại gia đình theo hình thức xây lò đốt rác, tận dụng chất thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng…  

Ông Nguyễn Sơn Lâm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 11 đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn, chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn. Để hỗ trợ các xã, hàng năm Quỹ bảo vệ môi trường hỗ trợ kinh phí cho 40 xã, mỗi xã 200 triệu đồng đầu tư quy hoạch xây dựng bãi chôn lấp, lò đốt rác và mua phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải. Trong thời gian qua, tỉnh đã đầu tư 13 điểm tập kết tạm, 7 khu vực chôn lấp, xử lý chất thải rắn tập trung, 4 lò đốt, 609 xe thu gom đẩy tay, 1.353 thùng chứa. Tuy nhiên, do số lượng xe được trang bị vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nên một số nơi vẫn phải sử dụng xe công nông và các phương tiện thô sơ khác. Thiếu phương tiện, thời gian thu gom không đồng nhất nên tình trạng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt vẫn tồn đọng trong khu dân cư. Hầu hết ở các thôn phải từ 2 đến 3 ngày, thậm chí có nơi 5 ngày mới thu gom một lần. Điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt thường bố trí ở đầu thôn, xóm, mặt đường giao thông chính của xã, không che đậy kín dẫn đến ô nhiễm môi trường và làm xấu cảnh quan xóm, làng... 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hoạt động thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn chưa đạt hiệu quả cao do nhiều nguyên nhân. Ngoài những khó khăn về địa hình, địa lý, phong tục tập quán, công tác tuyên truyền chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa gắn trách nhiệm của cộng đồng và người dân về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt cộng đồng, thì phương tiện, trang thiết bị và lực lượng tham gia công tác thu gom, vận chuyển còn thiếu, các tổ chức vệ sinh môi trường hoạt động còn mang tính tự phát cũng là nguyên nhân khiến việc thu gom rác thải chưa hiệu quả. Thêm vào đó, chưa có cơ chế phân công trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của tổ chức hoạt động và chưa có cơ chế khuyến khích, thu hút xã hội hóa; chưa tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn trong khi chương trình xây dựng xây dựng nông thôn mới đòi hỏi các địa phương phải thực hiện được tiêu chí môi trường.  

Vì vậy, về lâu dài, cần phải có cơ chế, chính sách nhằm thu hút, xã hội hóa đầu tư về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tạo động lực để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải tại khu vực nông thôn, đảm bảo các khu dân cư đều được cung cấp dịch vụ thu gom, xử lý chất thải. 

Bài, ảnh: Trần Liên/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục