Vĩnh Phúc là 1 trong 9 tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới

(Xây dựng) - Sau 11 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự chung sức chung lòng của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh, đến nay, 112/112 xã của tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành 1 trong 9 tỉnh trên cả nước có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong toàn tỉnh đều nhất quán và thực hiện tốt chủ trương “không chạy theo hình thức mà đi vào thực chất, làm đến đâu chắc đến đó để đạt mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn”.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức chung lòng của các tầng lớp nhân dân, sau 11 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt khu vực nông thôn Vĩnh Phúc ngày càng khởi sắc. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc; sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển ổn định, trong đó tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh; chất lượng giáo dục ngày càng tăng; công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt; hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp.

Bộ mặt nông thôn Vĩnh Phúc tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng khang trang, hiện đại, nhiều công trình hạ tầng nông thôn đã được xây mới, nâng cấp đảm bảo đạt chuẩn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,4%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn dưới 2,5% .

Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã quy hoạch được 1.640ha vùng sản xuất rau, quả an toàn theo VietGAP; quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm, với gần 1.100 trang trại, 33 xã chăn nuôi lợn, 38 xã chăn nuôi gia cầm, 21 xã chăn nuôi bò thịt và 22 xã chăn nuôi bò sữa; hỗ trợ trên 2.680 tấn giống chất lượng cao, hơn 3.770 con lợn nái hậu bị, gần 12.5000 con bò nái; 160ha mô hình giống cá mới… Đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 47,04 triệu đồng/năm.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, Vĩnh Phúc có 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gồm: Thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Yên Lạc và huyện Bình Xuyên. Phấn đấu cuối năm 2020 có 2 xã Liên Châu (huyện Yên Lạc) và xã Tam Phúc (huyện Vĩnh Tường) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó phấn đấu có 3 thôn đạt chuẩn thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn ước đạt trên 50 triệu đồng/người, tăng gần 2 lần so với năm 2015.

Đặc biệt, kết quả xây dựng nông thôn mới đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu phát triển sản xuất, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đưa Vĩnh Phúc trở thành 1 trong 9 tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

 

Để duy trì đạt chuẩn và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, từ nay đến năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; ban hành và tổ chức có hiệu quả các chính sách đặc thù về đầu tư, hỗ trợ cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bài, ảnh: Bích Huệ/Báo Xây dựng

Tin cùng chuyên mục