Tập trung xây dựng xã NTM kiểu mẫu, nâng cao

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã có 244 xã đạt chuẩn NTM. Trong số này có 119 xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao, 25 xã đăng ký NTM kiểu mẫu.

Nhiều tiêu chí tiếp tục được duy trì, nâng cao sau khi đạt chuẩn NTM

Với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, từ 2011 đến nay, tỉnh đã huy động được 39.273,771 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó, vốn ngân sách các cấp trực tiếp chiếm 22,8%; vốn lồng ghép 39,1%; vốn tín dụng 9,1%; vốn DN, HTX 5,2%; vốn huy động từ cộng đồng dân cư bằng tiền mặt 17,8%, bằng ngày công, hiến đất, vật liệu quy ra tiền và vốn khác 6%.

Tính đến 30/6, bình quân toàn tỉnh đạt 15,3 tiêu chí, tăng 10,6 tiêu chí so với năm 2011. Có 1 huyện, 244 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 42,4%; 112 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, chiếm 19,4%; 153 xã đạt 10-14 tiêu chí, chiếm 26,6%; 67 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, bằng 11,6%; không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Theo ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, việc xây dựng thôn, bản NTM thực sự trở thành một phong trào, góp phần tích cực và trở thành “hồn cốt” của các xã, huyện đạt chuẩn. Là tỉnh đi đầu trong xây dựng thôn bản đạt chuẩn NTM, đến nay tỉnh có 525 thôn bản là thôn bản NTM, trong đó có 393 thôn bản miền núi. Thu nhập bình quân tăng từ 8,9 triệu đồng (2011) lên 24,8 triệu đồng (2017); tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 26,96% (2010) xuống còn 9,22% (2017, theo chuẩn mới).

Điều đáng phấn khởi là ngay sau khi được công nhận xã NTM, các cấp, ngành đã tích cực triển khai ngay việc tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí và tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao. Cốt yếu của xây dựng NTM là tránh hình thức, tập trung phát triển sản xuất, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa ở nông thôn...

Nhờ thế, nhiều tiêu chí của các xã đạt chuẩn giai đoạn 2012-2016 đều có xu hướng ngày càng hoàn thiện và nâng cao. Thu nhập người dân các xã NTM đạt 31,8 triệu đồng, tăng 7,9 triệu đồng so với thời điểm được công nhận và cao hơn 2,8 triệu đồng so với yêu cầu tiêu chí năm 2017.

Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đạt chuẩn là 2,93% (theo chuẩn mới), giảm 1,27% so với thời điểm được công nhận. Có 62,94% lao động ở các xã đạt chuẩn có việc làm qua đào tạo, tăng 18,24% so với khi được công nhận; 74,7% người dân tham gia BHYT, tăng 3,4% so với thời điểm được công nhận… Nhiều tiêu chí khác như quy hoạch, thủy lợi, điện, trường tiếp tục duy trì và nâng cao.

Mức độ đạt chuẩn NTM từ năm 2017 đến nay của 64 xã cao hơn so với yêu cầu tiêu chí. Trong đó, nhóm tiêu chí có mức độ đạt chuẩn cao gồm giao thông, trường học, thông tin và truyền thông, nhà ở và dân cư, sử dụng nước hợp vệ sinh…


62,94% lao động ở các xã đạt chuẩn có việc làm qua đào tạo

Dù xây dựng NTM trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng điều đáng mừng ở Thanh Hóa là nợ đọng xây dựng cơ bản rất thấp, trong số 244 xã về đích hiện chỉ còn 43 xã nợ với số tiền 89,55 tỷ đồng.

Theo báo cáo tự đánh giá của các huyện, Thanh Hóa có 119 xã thuộc 19 huyện đăng ký xây dựng NTM nâng cao (năm 2019 có 37 xã và năm 2020 có 82 xã). Bình quân các xã nêu trên đạt 10,76 tiêu chí NTM nâng cao/xã. Có 25 xã thuộc 11 huyện đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu. Trong đó, năm 2019 có 1 xã, năm 2020 có 24 xã.

Văn phòng điều phối NTM Thanh Hóa đề xuất cơ chế để lại 80% nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, được cấp có thẩm quyền xác nhận và đưa vào kế hoạch.

Mục đích hỗ trợ các xã hoàn thiện hệ thống đường giao thông đến trung tâm xã, giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng; thủy lợi nội đồng; trường học; trạm y tế; nhà văn hóa, thôn bản; công trình nước sinh hoạt, nước thải khu dân cư; cải tạo nghĩa trang; cảnh quan, môi trường nông thôn; hạ tầng sản xuất tập trung, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ…

Văn phòng điều phối cũng đề xuất thưởng xã NTM nâng cao 1 tỷ đồng và 2 tỷ đồng đối với xã NTM kiểu mẫu.

Theo nongnghiep.vn

Tin cùng chuyên mục