Phát huy các nguồn lực văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn đầu, tỉnh cơ bản tập trung vào nhóm tiêu chí phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật, kiến thiết các nền tảng kinh tế - xã hội vững chắc để tiếp tục phát triển “tam nông” trong tình hình mới. Bước sang giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng đời sống của người dân, chú trọng đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa (ĐSVH) cơ sở, tạo môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh, đảm bảo môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ dân vũ thể thao xóm Bỉnh Di Tây, xã Giao Thịnh (Giao Thủy).

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn trên các lĩnh vực của ngành; kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều của các quy định về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét công nhận các danh hiệu về văn hóa và phát triển phong trào gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng dân cư. Công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện liên tục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có chiều sâu từ tỉnh đến cơ sở từ tuyên truyền cổ động, trưng bày, triển lãm và tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ gắn với các chủ đề xây dựng NTM. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về trách nhiệm, nhiệm vụ xây dựng ĐSVH trong xây dựng NTM ngày càng được nâng lên. Sở VH, TT và DL đã phối hợp các sở, ngành của tỉnh khảo sát, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương xây dựng, thực hiện các tiêu chí về huyện, xã NTM, góp phần đưa Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM năm 2019. Đến nay, toàn tỉnh có 156/161 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; trong đó có 39 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện Giao Thủy được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Nhiều vùng quê nông thôn đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành những “miền quê đáng sống”. Bên cạnh đó, là tỉnh đi đầu trong phong trào xây dựng NTM của cả nước, Nam Định được lựa chọn tổ chức các sự kiện quan trọng như: Hội nghị sơ kết thực hiện các tiêu chí văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và công tác xây dựng ĐSVH trong xây dựng NTM do Bộ VH, TT và DL chủ trì tổ chức năm 2018; Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020 năm 2019.

Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp. Đối với di sản văn hóa vật thể, giai đoạn 2011-2020, từ nguồn kinh phí đầu tư thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích và nguồn xã hội hóa với hàng trăm tỷ đồng, nhiều di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng đã được tu bổ theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên kiến trúc gốc. Hàng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố Nam Định và chính quyền các xã, phường, thị trấn đã triển khai các biện pháp quản lý Nhà nước về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; các lễ hội được tổ chức trọng thể theo kế hoạch đề ra, đảm bảo tuân thủ đúng nghi lễ, nghi thức truyền thống, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Nam Định đến với du khách trong, ngoài nước. Trong điều kiện kinh tế của tỉnh còn gặp khó khăn, việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng là việc làm cần thiết. Đây chính là nguồn lực để chính quyền, nhân dân các địa phương chung tay gìn giữ, bảo vệ và phát huy hiệu quả hơn nữa giá trị của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong cuộc sống hiện đại.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” gắn với cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh” ngày càng lan tỏa rộng khắp, nhiều công trình văn hóa, thể thao ra đời từ sự tự nguyện đóng góp đất đai, tiền của, công sức của nhân dân. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, giai đoạn 2018-2023, các huyện, thành phố Nam Định đã đầu tư xây dựng 15 thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện như: bể bơi, nhà văn hóa (NVH), nhà thi đấu đa năng… Toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp 31 NVH xã, 175 NVH thôn, xóm, tổ dân phố. Kinh phí trung bình từ 800 triệu-1 tỷ đồng/NVH cấp xã, từ 450-800 triệu đồng/NVH cấp thôn, xóm, tổ dân phố. Nhiều địa phương có cơ chế khuyến khích xây dựng NVH thôn, xóm, tổ dân phố với mức hỗ trợ từ 50-150 triệu đồng/công trình. Nguồn lực còn lại để đầu tư trang thiết bị cho NVH chủ yếu bằng nguồn xã hội hoá. Tổng số kinh phí đầu tư tại các thôn, xóm, tổ dân phố là 280,424 tỷ đồng; trong đó kinh phí từ nguồn xã hội hóa là 201,643 tỷ đồng (đạt khoảng 71%). Trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, nhiều địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo lắp đặt các dụng cụ TDTT ngoài trời tại các địa điểm công cộng hoặc NVH thôn, xóm, tổ dân phố. Hệ thống hạ tầng văn hoá cơ sở đã phát huy vai trò tổ chức các cuộc họp của các chi bộ đảng, tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội nhằm tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, là nơi gắn kết các thành viên trong cộng đồng dân cư, tăng tình đoàn kết xóm làng và là nơi sinh hoạt, tập luyện, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ quần chúng. Việc quy hoạch quỹ đất dành cho các hoạt động VH, TT và DL trên địa bàn tỉnh đảm bảo các quy chuẩn về tiêu chí xây dựng NTM. Đến nay, cả 9 huyện, thành phố đều có trung tâm văn hóa, NVH; 100% xã, phường, thị trấn có NVH, hội trường đa năng, trong đó có 158 NVH riêng biệt; 100% thôn, xóm, tổ dân phố có NVH, địa điểm sinh hoạt cộng đồng.

Hệ thống thiết chế TDTT của tỉnh được bao phủ hầu hết các huyện, thành phố tới các cấp cơ sở với hơn 2.000 sân thể thao, trên 80% thôn, xóm, tổ dân phố có sân, khu thể thao; 100% huyện, thành phố, các ngành, trường học có nhà đa năng, các địa điểm tập luyện, thi đấu và tổ chức các giải thể thao phong trào ở cơ sở. Ngoài các công trình thể thao trung tâm được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước, trong các giai đoạn xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, toàn tỉnh có nhiều sân thể thao các môn: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, tenis, bể bơi, các trang thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời được xây dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, chủ yếu từ ủng hộ của các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư và đóng góp của người dân.

Việc thực hiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí về văn hóa NTM đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nông thôn. Các địa phương đã quan tâm hơn đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá, thể thao, xây dựng, phát triển mô hình xã hội hoá các sân, khu TDTT, vui chơi - giải trí theo hướng giao cho cộng đồng quản lý, vận hành. Các địa phương như: Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Nam Trực, Trực Ninh… là những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư, loại bỏ các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi, các hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội. Một số địa phương đã thiết kế tổ chức được các tour, tuyến du lịch trải nghiệm làng quê NTM gắn với giữ gìn văn hoá truyền thống qua khôi phục và quảng bá các trò chơi dân gian, phong tục tập quán; từ đó tạo điều kiện thu hút người dân tham gia thường xuyên vào phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT. Nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh trong các lễ hội truyền thống được phục dựng, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, khang trang, góp phần làm bức tranh NTM trên địa bàn tỉnh ngày càng sống động.

 

Khánh Dũng/baonamdinh.vn

Tin cùng chuyên mục