Nơi có 8.000 hộ dân hiến đất làm đường.

Sau 8 tháng ban hành nghị quyết toàn huyện Triệu Sơn đã có hơn 8.000 hộ dân tham gia hiến đất với diện tích hơn 22 ha đất để làm 241 km đường giao thông.

Mùng 1 Tết đi vận động… hiến đất

Bà Hà Thị Nhân có vẻ không vui khi nhìn thấy cán bộ thôn 5 (xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) đến vận động hiến đất mở đường. Ông Tạ (chồng bà Nhân) ngồi bên bàn trà đứng phắt dậy, chỉ nói vỏn vẹn 1 câu: “Vợ chồng tôi chia đất đai cho con cái cả rồi. Gia đình cũng muốn ủng hộ chính quyền nhưng không còn dư đất”. Ông Tạ vừa dứt lời đã vội vã rảo bước vào nhà như thể đang bận việc gì gấp gáp.

6 lần đoàn cán bộ thôn 5 cất công đến nhà bà Nhân để vận động hiến đất, đều nhận được câu trả lời na ná: “Để tôi bàn với ông nhà và con cháu trong họ rồi mới quyết được”.

Ở thôn 5, đất của gia đình bà Nhân nằm ở đầu ve ngõ Cồn Tre rộng chừng 2m. Nếu bà Nhân không hiến đất thì không thể mở rộng đường. Có người trong thôn sẵn sàng trả giá 100 triệu đồng/m2 mua một phần đất của bà để giúp chính quyền có đất làm đường, nhưng bà kiên quyết từ chối với lý do: "Vợ chồng tôi già nhưng cũng chưa đến mức phải bán đất để ăn”, ông Trần Văn Minh, trưởng thôn 5 kể lại.

Ông Trần Văn Minh, trưởng thôn 5, xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn. Ảnh: Quốc Toản.

Rút kinh nghiệm sau những lần thất bại, lần thứ 7 ông Minh cùng đoàn cán bộ thôn tổ chức đến thăm nhà bà Nhân vào đúng ngày mùng 1 Tết để chúc mừng năm mới gia đình, kết hợp vận động hiến đất.

Thấy cán bộ thôn đến, vợ chồng bà Nhân vui vẻ hẳn lên. Sau một hồi đàm đạo trà, tửu, ông Minh không quên đề cập tới câu chuyện làm nông thôn mới như mọi lần: “Thôn 5 đang làm thôn nông thôn mới kiểu mẫu cho các thôn khác học tập. Mỗi người gương mẫu, tự giác ủng hộ thôn xóm, mọi thứ sẽ thành hiện thực”. Nghe xong lời khuyên lần này, vợ chồng bà Nhân có vẻ xuôi.

Mừng vì bà Nhân đồng ý hiến đất sau nhiều lần thuyết phục, ông Minh chạy một mạch tới nhà văn hóa thôn, mở loa phát thanh, đọc thông báo, biểu dương tinh thần, ý thức trách nhiệm của gia đình bà Nhân đối với thôn, xã. Hai chiếc loa dựng ở đầu thôn và cuối ngõ được mở hết công suất, liên tục phát đi thông báo nêu gương gia đình bà Nhân và khuyến khích các hộ dân hưởng ứng phong trào hiến đất mở đường.

Chỉ trong vài ngày Tết, hàng chục hộ dân đã tự nguyện đến đăng ký hiến đất mở rộng đường. Riêng gia đình bà Nhân đã hiến tặng thôn 5 hơn 30m2 đất đầu ve để làm đường và tự nguyện bỏ tiền để làm tường rào kiểu mẫu trong thôn.

Cũng theo trưởng thôn Minh, thôn 5 có vị trí khá thuận lợi. Do đó, giá đất ở đây cao hơn nhiều so với nơi khác, dẫn đến việc vận động hiến đất làm đường gặp rất khó khăn.

Phong trào hiến đất làm đường nở rộ tại huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Minh kể, vào mùng 8 Tết năm ngoái, ngõ Cồn Tre tiến hành động thổ làm đường. Lễ lạt thổ công xuôi, nhưng có hộ dân thay đổi ý định, không muốn hiến mặc dù cán bộ thôn đã nói hết nước hết cái: "Tấm gương mẫu mực của ông, bà đã được hàng xóm láng giềng ghi nhận trong sổ vàng của thôn và trên loa phát thanh. Bây giờ ông bà đổi ý, cán bộ thôn chúng tôi thấy khó ăn, khó nói với bà con". 

Bị đặt vào thế khó, ông Minh phải nhờ đến sự can thiệp của người thân, dòng họ, chính quyền xã mới thuyết phục được người dân ủng hộ hiến đất. Sau khi các hộ dân đồng ý chủ trương hiến đất mở rộng đường, trưởng thôn Trần Văn Minh cùng cán bộ thôn lập tức phát động “chiến dịch” mở đường Cồn Tre. Sau hai tháng, con ngõ dài gầm 300m được hoàn thiện trước sự vui mừng, phấn khởi của các hộ dân trong thôn.

“Ngõ Cồn Tre chạy thẳng qua 8 ao cá, giải phóng 8 cổng dân sinh. Các gia đình trong thôn tự bàn bạc và đóng góp tiền của ngày công làm đường. Ngõ làm đến nhà nào, nhà nấy tự nấu cơm mời thợ trong thôn ăn uống, cứ thế xoay vòng trong 2 tháng. Chỉ cần 52 bữa cơm là dân Cồn Tre đã hoàn thành tuyến đường dài gần 300m, rộng hơn 4m”, ông Minh chia sẻ.

Ông Minh rút ra kinh nghiệm, muốn người dân hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới thì mọi việc phải được thực hiện một cách công bằng, dân chủ. "Ở thôn 5 lập ra 2 sổ vàng ghi danh những người cống hiến, đóng góp cho thôn. Mọi đóng góp, ủng hộ của người dân đều được ghi chép đầy đủ. Vào các dịp lễ, Tết, ngày đại đoàn kết toàn dân, thôn sẽ công bố danh sách và biểu dương những người tích cực tham gia đóng góp, xây dựng quê hương. Nhà này học tập nhà kia, lần lượt lên đăng ký với chính quyền để hiến đất mở đường", trưởng thôn Trần Văn Minh chia sẻ.

Ông Minh khoe, phong trào xây dựng nông thôn mói nói chung, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái ở thôn 5 nói riêng đang được người dân quê hương ông phát huy một cách hiệu quả: "Năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, thôn  5 được lệnh cách ly 15 ngày. Trong lúc khó khăn, con cháu khắp mọi miền Tổ quốc đã ủng hộ thôn gần 1.000 thùng mì tôm, 5 tạ thịt lợn và hàng trăm gói mỳ chính, nước mắm để giúp dân vượt qua khó khăn".

Sau hơn 1 năm năm thực hiện chủ trương hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới, thôn 5 đã vận động được 42 hộ dân hiến đất với diện tích hơn 2,5 nghìn m2, có 52 hộ làm tường rào theo tiêu chuẩn, dài hơn 1km, làm mới được 2km đường rộng 4,5m và đường chính nội thôn rộng 6,5m. Huy động được kinh phí đóng góp trên 2 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động. Đến quý I, năm 2023, thôn 5 đã hoàn thành 100% tiêu chí thôn kiểu mẫu. 

Không chỉ riêng xã Dân Lý, để có đất làm đường, ông Lê Văn Duân, Bí thư thôn Miêu Nha (xã An Nông, Triệu Sơn) mất gần 1 năm đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động người dân hiến đất. Có hộ dân nhất quyết không chịu hiến đất cho chính quyền vì lý do: Cắt đất cho người khác sẽ gặp vận xui xẻo trong nhà. Cũng vì câu chuyện hiến đất mà có lần trưởng thôn Miêu Nha bị các hộ dân ra điều kiện: Hiến đất xong nếu có chuyện không hay xảy ra với gia đình, thì cán bộ phải chịu trách nhiệm.

Để hóa giải suy nghĩ có phần tâm linh của một số người dân, trước bắt tay vào công việc, cán bộ thôn đã mời các hộ dân hiến đất tham gia lễ động thổ, với mong muốn mọi việc tiến hành thuận buồm, xuôi gió và bình an đến với các gia đình, ngõ xóm.

Bài toán đô thị hóa nông thôn

Xác định việc hiến đất làm đường là khâu khó nhất để hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, tháng 7/2022, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Sơn đã ban hành nghị quyết số 12-NQ/HU về tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với việc vận động nhân dân hiến đất mở đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Đây cũng là số ít các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa ban hành một Nghị quyết riêng biệt về việc hiến đất làm đường, đồng thời xác mục tiêu, phương pháp và cách thức thực hiện bài bản, rõ ràng.

Thị trấn huyện Triệu Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn chia sẻ: "Việc ban hành Nghị quyết 12 là việc làm quan trọng, cần thiết để địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới ở các cấp độ.

Khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, cán bộ phải thật sự tâm huyết, bám làng, bám xóm, thuyết phục người dân hưởng ứng phong trào bằng cách “đến từng ngõ, gõ từng nhà”. Quá trình thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc "dễ làm trước, khó làm sau”, “nhân dân đồng thuận thì làm trước, nhân dân chưa đồng thuận thì làm sau”, kết hợp xây dựng đường với xây dựng khu dân cư “Sáng-xanh-sạch-đẹp”.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo tính công khai, dân chủ theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Những công trình, phần việc liên quan tới việc vận động nhân dân tự nguyện đóng góp phải được công khai, bàn bạc, thống nhất để tạo động lực, khơi dậy sức mạnh và nguồn lực trong nhân dân”.

Sau khoảng 8 tháng ban hành nghị quyết, toàn huyện đã có hơn 8.000 hộ dân tham gia hiến đất với diện tích hơn 22 ha đất để làm 241 km đường giao thông và hàng nghìn ngày công lao động tự nguyện của người dân địa phương. Các hộ dân sau khi hiến đất được hỗ trợ điều chỉnh các hồ sơ đất đai, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp với thực tế.

Cánh đồng mẫu lớn tại huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng nông thôn mới tại huyện Triệu Sơn đang đặt ra nhiều thử thách không nhỏ, đặc biệt là việc huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Hiện Triệu Sơn có hơn 11.000 ha đất lúa, trong đó có khoảng 25.000 hộ dân sản xuất nông nghiệp. Địa phương này không chỉ có lợi thế về phát triển nông nghiệp mà còn hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ. Do đó, việc quy hoạch không gian phát triển kinh tế, xã hội đúng và trúng sẽ tạo nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Hay nói cách khác, để thực hiện mục tiêu đô thị hóa nông thôn, huyện Triệu Sơn cần tận dụng các lợi thế, tiềm năng sẵn có để bứt phá, thay vì canh tác nông nghiệp đơn thuần.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn cho hay: “Huyện phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại 4 và thành lập thị xã vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đã giao huyện rà soát, đánh giá các tiêu chí trên cơ sở các tiềm năng báo cáo tỉnh để xin ý kiến Trung ương về việc bổ sung vào quy hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu và xu thế phát triển của tỉnh Thanh Hóa nói chung, huyện Triệu Sơn nói riêng. Việc bổ sung quy hoạch sẽ là nền tảng để địa phương phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh vốn có, tạo nguồn lực thu hút các nhà đầu tư. Đây là hướng đi đúng góp phần tạo thêm nguồn lực và tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới”.

Bài, ảnh: Trần Quốc Toản/nongnghiep.vn

Tin cùng chuyên mục