Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Trò chuyện với chúng tôi, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn đánh giá rất cao loạt bài "Đi tìm làng quê đáng sống" mà Báo điện tử Dân Việt mới đăng tải. Theo ông Ngôn, loạt bài "Đi tìm làng quê đáng sống" của Báo điện tử Dân Việt rất thời sự và tìm ra được bức tranh làng quê đáng sống rất mới mẻ, sinh động tại các vùng nông thôn Việt Nam sau khi thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Khách du lịch nước ngoài thích thú khi đến thăm xã Hồng Vân, Thường Tín (Hà Nội).
Cũng theo ông Ngôn, từ những kết quả đã đạt được, Hà Nội đã rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới. Thứ nhất là cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở xã phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới; về mục tiêu, phương châm, cách làm, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới với tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao.
Hai là, trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết, cần linh hoạt, sáng tạo, cụ thể hóa Nghị quyết bằng chương trình; đồng thời cụ thể hóa chương trình bằng các đề án, dự án, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Thường xuyên kiểm tra, động viên, đôn đốc cơ sở. Định kỳ giao ban giữa Ban Chỉ đạo Chương trình của Thành ủy với Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã để nắm tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở.
Các lễ hội truyền thống ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội) đang thu hút rất nhiều khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm.
Ba là, ưu tiên đầu tư các dự án phục vụ sản xuất như thủy lợi, giao thông nội đồng. Kế thừa tối đa các công trình hiện có kết hợp nâng cấp và xây dựng mới nhằm phát huy tốt hiệu quả sử dụng và nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân thụ hưởng", cần công khai, minh bạch những công việc trực tiếp liên quan đến lợi ích của cộng đồng và người dân, nhất là xây dựng quy hoạch, đề án nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, quy hoạch sản xuất, dồn điền đổi thửa và đặc biệt là việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm là, dành nguồn lực đáng kể từ ngân sách Thành phố để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình thiết yếu về cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm,...) trong xây dựng nông thôn mới. Tích cực tuyên truyền, vận động các quận nội thành, doanh nghiệp, cá nhân và người dân tự nguyện đóng góp tiền mặt, công sức, hiện vật xây dựng nông thôn mới.
Sáu là, chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng nông thôn mới ở xã, thôn. Coi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các cấp, với phương châm "xây dựng nông thôn mới có điểm đầu không có điểm kết thúc".
Bài học "sự hài lòng của người dân" là thước đo
Là huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên của cả nước xét theo tiêu chí mới vào năm 2016, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư (Ninh Bình) cho biết: Xác định xây dựng NTM là chủ trương của ý Đảng, lòng dân, là sự quan tâm và chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, huyện Hoa Lư tiếp tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành các cấp, ngành hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại.
Đường giao thông nông thôn sạch đẹp ở xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình).
Trên cơ sở các cơ chế, chính sách hiện có của Trung ương và tỉnh, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn; hỗ trợ lãi vay tín dụng phục vụ phát triển sản xuất; hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao, các mô hình sản xuất tiên tiến; dồn điền đổi thửa; huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, nhất là từ người dân. Đồng thời thực hiện tốt chính sách ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, liên kết hợp tác đa dạng giữa hộ nông dân với doanh nghiệp với đối tác kinh tế khác.
"Đặc biệt, huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ mỗi xã về đích NTM kiểu mẫu 01 tỷ đồng, xã NTM nâng cao 500 triệu đồng và khu dân cư NTM kiểu mẫu 100 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển sản xuất nông nghiệp; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; phát triển xây mới, sửa nhà văn hóa thôn xóm,..." – ông Hưng cho biết.
Cơ chế này như "liều thuốc" giúp các xã, khu dân cư vào cuộc mạnh mẽ hơn. Đơn cử như xã Ninh Thắng, ngay sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, chính quyền địa phương và nhân dân trong xã Ninh Thắng đặt quyết tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Kết quả, chỉ sau 1 năm, xã đã huy động được gần 356,5 tỷ đồng để thực hiện chương trình, trong đó nhân dân đóng góp là chính (trên 249 tỷ đồng).
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc (bên phải) trao Bằng công nhận xã Ninh Hòa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, ngoài ra, xã cũng được thưởng 500 triệu đồng. Ảnh: MĐ.
Tương tự, ở xã Ninh Hoà, sau khi được công nhận xã NTM vào năm 2016, xã tiếp tục vận động nhân dân gìn giữ và nâng cao chất lượng các tiêu chí; huy động được hơn 320 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và đóng góp của nhân dân. Đến cuối năm 2023, xã đã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí của NTM nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 71 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tính đến tháng 6 năm 2023 chỉ còn 0,91%.
"Xác định người dân là chủ thể nên huyện luôn đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ hành chính công và trong xây dựng nông thôn mới, nhằm đưa Hoa Lư trở thành huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu" – ông Hưng nói.
Bộ mặt nông thôn huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: M.Đ
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình, kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, Ninh Bình là tỉnh đầu tiên đóng góp sáng kiến đưa nội dung "lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân" vào tiêu chí đánh giá, xét công nhận đạt chuẩn NTM (tiêu chí số 20).
Sáng kiến trên được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao và triển khai trên toàn quốc. Điều này đã tạo hiệu ứng tốt, được xem là "thước đo" quan trọng để các cấp nắm bắt được chỗ nào người dân hài lòng, chỗ nào chưa đạt, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục, hoàn thiện.
Với định hướng của tỉnh là xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch quốc gia, vì vậy các địa phương chú trọng xây dựng cảnh quan nông thôn, bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống. Những cơ chế, chính sách đặc thù mà Ninh Bình đã ban hành để góp phần hình thành những "làng quê đáng sống" có thể kể đến như huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn; cơ chế giao quyền chủ động cho người dân và cộng đồng trong thực hiện xây dựng NTM...
Từ năm 2021 - 2022, Ninh Bình đều bố trí nguồn ngân sách dành cho ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số là 150 tỷ đồng, chiếm hơn 1% tổng chi cân đối ngân sách địa phương. Qua đó đã khơi dậy sức mạnh của cộng đồng, làm thay đổi thực sự bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân...