Giải quyết sinh kế bền vững cho người dân miền núi: Yếu tố căn cơ trong xây dựng nông thôn mới

Đối với các xã miền núi có đông đồng bào DTTS sinh sống, giải quyết được bài toán sinh kế cho người dân đồng nghĩa với việc xóa được đói, giảm được nghèo và khắc phục được tình trạng “giậm chân tại chỗ” sau nhiều năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM). Dẫu biết vậy nhưng để thực hiện điều này là không hề dễ dàng.

"Có thực mới vực được đạo”

Bản Lao Khổ, xã biên giới Phiêng Khoài (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) có 113 hộ, đều là đồng bào dân tộc Mông. Đúng như tên gọi, bản Lao Khổ khó khăn chồng chất; cái đói cái nghèo đeo đuổi cuộc sống người dân nơi đây từng một thời tưởng như không thể dứt ra nổi.

 Nhiều bản làng miền núi đã đổi thay sau nhiều năm xây dựng NTM.
(Trong ảnh: Một góc bản Lao Khổ, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, Sơn La. Ảnh tư liệu)

Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước. Còn hiện nay, đời sống của người dân ở đây không còn “lao khổ” nữa. Bản ấm no hơn trước rất nhiều nhờ bà con biết cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả giá trị cao; đào ao thả cá, đưa giống ngô, giống lúa mới và phân bón vào sản xuất trên nương; biết làm cái chợ vùng biên với nhiều dịch vụ thu hút các bạn hàng cả trong huyện và cả bên nước bạn Lào về mua bán, trao đổi hàng hoá. Đàn trâu, bò của bản đã có tới gần 300 con và nhiều dê, gà, vịt, lợn,…

Cũng như bản Lao Khổ, 29 bản khác của xã biên giới Phiêng Khoài cũng đã “đổi thịt thay da”. Sau gần chục năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Phiêng Khoài đã khoác lên mình “bộ cánh” mới.

Ông Đặng Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài cho biết: Toàn xã có 2.700 hộ, với gần 11 nghìn nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm gần 60%. Là xã biên giới nên Phiêng Khoài gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng NTM. Với những tiêu chí “cứng” (điện, đường, trường, trạm…), xã phải trông chờ vào nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài.

“Nhưng không vì thế mà xã bị động. Xã xác định muốn xây dựng NTM thì trước hết phải nâng cao thu nhập cho người dân. Phải có thực thì mới vực được đạo”, ông Cường chia sẻ.

Để giúp người dân nâng cao thu nhập, chính quyền xã đã vận động Nhân dân thay đổi tập quán canh tác, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng thế mạnh từng địa phương và mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Công tác tuyên truyền được chú trọng, cùng với nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án được phân bổ kịp thời nên người dân Phiêng Khoài đã tích cực phát triển kinh tế gia đình, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Theo số liệu của UBND xã Phiêng Khoài, toàn xã hiện có 1.950ha cây ăn quả, 236ha cây chè... Trong đó, hình thành được nhiều mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc như: xoài, nhãn, mận, chanh leo... Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng tổng số đàn gia súc của xã lên 10.700 con và trên 55.480 con gia cầm…

“Chìa khóa” để giảm nghèo

Nhờ sinh kế được giải quyết nên thu nhập của người dân xã Phiêng Khoài được nâng lên. Ngay tại bản Lao Khổ nhiều gia đình đã có thu nhập cao từ trồng mận, chăn nuôi. Như gia đình ông Dừ Lao Tăng có thu nhập trên 80 triệu đồng/năm; gia đình ông Dừ Lao Thào, thu nhập gần 70 triệu đồng/năm; gia đình ông Tráng Lao Tra, thu nhập trên 80 triệu đồng/năm…

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì Phiêng Khoài vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu của UBND xã Phiêng Khoài, hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 16 triệu đồng/người/năm. Thu nhập thấp nên tỷ lệ hộ nghèo ở Phiêng Khoài hiện vẫn còn 46,8%. Ngay tại bản Lao Khổ, dù đã có nhiều thay đổi rõ nét so với vài ba năm trước nhưng hiện tỷ lệ hộ nghèo của bản vẫn còn xấp xỉ 50%. Những số liệu này đã khẳng định, xã Phiêng Khoài sẽ còn phải phấn đấu một chặng đường dài nữa mới có thể về đích NTM.

Từ thực tế ở xã Phiêng Khoài của huyện Yên Châu, có thể thấy việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở nhiều địa bàn khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi, nhất là những xã biên giới, vùng sâu, vùng xa là rất khó khăn. Đi nhiều địa phương, khi được hỏi về Chương trình, câu cửa miệng của hầu hết lãnh đạo chính quyền là khó lắm!. Trong đó, cái khó nhất là vấn đề sinh kế của người dân. Khi cái ăn, cái mặc còn khó khăn thì bà con lấy đâu ra để đóng góp, cùng địa phương xây dựng NTM.

Theo ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương, xây dựng NTM là một hành trình không có “đích”. Bởi mục tiêu của Chương trình là phải không ngừng nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. Do đó, ngoài cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thì quan trọng nhất là nâng cao năng lực chỉ đạo, tổ chức cũng như nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ cơ sở; từng bước vượt qua tâm lý ỷ lại, thụ động, trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời cần có những điều chỉnh về cách làm để thực sự đảm bảo vai trò chủ thể của người dân nông thôn và cộng đồng, nhất là đồng bào DTTS trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM.

Bài, ảnh: Sỹ Hào/Báo Dân tộc

Tin cùng chuyên mục