Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Sôi nổi triển khai các phong trào thi đua
Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới giúp nông thôn ngày càng thay da đổi thịt. Ảnh: Đinh Quang Sinh

Sôi nổi triển khai các phong trào thi đua

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), triển khai thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20.9.2011 và Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 5.9.2016, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành kế hoạch hưởng ứng Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hưởng ứng, phát động Phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện chương trình Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng Nông thôn mới.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã phối hợp với Bộ NNNPTNT ký kết Nghị quyết liên tịch chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Bộ Quốc phòng đã phát động Phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới". Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã chỉ đạo các cấp hội trong cả nước hưởng ứng, tham gia, gắn phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” với “Phong trào Cựu chiến binh hiến kế, hiến công xây dựng Nông thôn mới”.

Hội Nông dân Việt Nam đã tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng Nông thôn mới, bảo vệ đường biên, mốc giới, thông qua các hội thi “Tiếng hát đồng quê”, “Nhà nông đua tài”, “Điểm sáng vùng biên”. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia xây dựng Nông thôn mới với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

 Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng Nông thôn mới” kết hợp với phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”...

Các bộ, ban, ngành đã tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên bố trí ngân sách cho xây dựng nông thôn mới; tham mưu ban hành chính sách trong xây dựng Nông thôn mới. Tích cực triển khai các chương trình liên kết, giúp đỡ, hỗ trợ các địa phương vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn trong thực hiện phong trào này.

Những điển hình nông thôn chuyển mình

Ở địa phương, 100% các tỉnh, thành đều phát động hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và phát động nhiều phong trào theo chủ đề cụ thể như: Phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ về nhà” của tỉnh Bắc Giang; phong trào “Nhà sạch - Vườn đẹp - Môi trường trong lành - Ngõ xóm văn minh” của tỉnh Hòa Bình; “Sạch đường, tốt ruộng” của tỉnh Hà Giang;


 Hình ảnh nông thôn mới tại Quảng Nam. Ảnh: Vinh Anh

“Sáng, xanh, sạch, đẹp” của tỉnh Vĩnh Long; “4 có” đối với xã (có sản phẩm đặc trưng - có khu dân cư kiểu mâu - có tuyến đường hoa - có cổng trào ” và “3 có” đối với khu dân cư (có vườn xanh - có nhà sạch - có ngõ đẹp) ở tỉnh Quảng Ngãi; trồng cây xanh, trồng hoa, vẽ bích họa trên các tuyến đường ở Hà Nội, Nam Định, Đồng Nai, Ninh Bình, Nghệ An, Đồng Tháp...;

Phong trào “Làng quê không rác thải”, “Đường hoa thay cỏ dại” ở Quảng Nam; “Ấp tự quản bảo vệ môi trường” ở An Giang; phong trào hiến đất, tham gia đóng góp ngày công để làm đường giao thông nông thôn ở Hà Giang, Phú Yên…; “Việc làng - đất vàng cũng hiến”, “Hiến đất - mất một được hai” ở Hà Tĩnh…; “Điểm sáng biên giới”, “Tổ tự quản về an ninh trật tự ở khu vực biên giới”, “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” ở Lạng Sơn, Lào Cai…;

Trong những năm qua, tỉnh Hậu Giang, Tây Ninh và thành phố Cần Thơ... là những địa phương đi đầu trong thực hiện phong trào “Cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết 4 nhà”; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu sản 9 phẩm nông sản của tỉnh Quảng Ninh, Lâm Đồng, Bắc Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Nam…

Nhờ tuyên truyền vận đông nên phong trào xây dựng nông thôn mới  đã lan toả không chỉ ở khu vực nông thôn, ở nhiều địa phương người dân và đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã kiến nghị được triển khai nông thôn mới ở cả khu vực thị trấn, khu vực đô thị, nhất là các nội dung về cảnh quan, môi trường và phát huy tinh thần nông thôn mới.

Bài, ảnh: Giang Nguyễn/Báo Lao Động

Tin cùng chuyên mục