Hội Nông dân đồng hành xây dựng Nông thôn mới

Thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2021–2025, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã khẳng định được vai trò nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; góp phần làm thay đổi diện mạo nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng văn minh, hiện đại.

Hiện nay, toàn tỉnh có 7 huyện, thành hội, 138 cơ sở hội và 1.678 chi hội nông dân với 117.828 hội viên; bình quân mỗi năm các cơ sở hội kết nạp mới trên 3.000 hội viên, nông dân trong những năm qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội Nông dân trong tỉnh luôn tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới gắn với nhiều nội dung, việc làm thiết thực. Bám sát điều kiện, đặc điểm của địa phương, xác định rõ vai trò của nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, những năm qua, cùng với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể khác, các cấp Hội nông dân trong tỉnh, ngoài công tác tuyên truyền vận động, phát động các phong trào đã bám vào các tiêu chí xây dựng NTM để xác định và lựa chọn những phần việc cụ thể để đăng ký thực hiện góp phần vào việc hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM ở địa phương.

Nông dân Lâm Bình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất (Ảnh nguồn Internet)

Cùng với đó, các cấp hội luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên. Trong đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng. Đây là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững. Do đó, các cấp hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức được 4.929 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật... cho 317.148 lượt hội viên. Đồng thời, tích cực tham gia liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, chủ động phát triển các hình thức kinh tế tập thể... Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 358 trang trại, 588 tổ hợp tác, 549 hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp, trong đó có trên 300 hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả...

Từ phong trào thi đua cùng với sự nỗ lực của hội viên, nông dân, trong gần những năm qua các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn tích cực thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi giữa các hội viên, nông dân, vì đó xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều cá nhân điển hình tiên tiến, đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của nông dân, tiêu biểu như mô hình nuôi lợn của ông Hoàng Văn Chung, xã Phú Lương (Sơn Dương) quy mô trên 1.000 con, tổng thu nhập 10 tỷ/năm; mô hình chăn nuôi lợn bằng thảo dược liên kết theo chuỗi từ chăn nuôi đến chế biến sản phẩm và tiêu thụ của ông Nguyễn Ngọc Sáng, xã Đông Thọ (Sơn Dương) nuôi trên 3.000 con lợn, doanh thu đạt 20 tỷ đồng, trừ chi phí, thu lãi 8 tỷ đồng/năm; mô hình trang trại của hộ gia đình ông Trần Quốc Quân, xã Thắng Quân (Yên Sơn) với doanh thu 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 25 lao động...

Cùng với việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, Hội nông dân tỉnh luôn khẳng định được vai trò “trung tâm” hỗ trợ, khơi dậy sức mạnh của hội viên nông dân trong xây dựng, phát triển KT - XH địa phương. Đến 2022, toàn tỉnh có 128 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao, có 3 sản phẩm (cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, bưởi Soi Hà) được chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Nhiều nông sản hàng hóa tiếp tục khẳng định thương hiệu trên thị trường; một số sản phẩm nông sản tiêu biểu như cam Hàm Yên là một trong 50 trái cây ngon nhất Việt Nam; chè Shan tuyết Hồng Thái, chè đặc sản Vĩnh Tân, cá lăng... được bình chọn “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”; Chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”; bưởi Xuân Vân đứng TOP 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng...

Hội Nông dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ sở Hội chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên về tầm quan trọng việc xây dựng nông thôn mới gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh đô thị”, Hội Nông dân tỉnh tích cực vận động hội viên tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng các mô hình ở khu dân cư như: bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mô hình khu dân cư phòng, chống tội phạm, câu lạc bộ nông dân với an toàn giao thông. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm ra”, Hội Nông dân tỉnh vận động các cơ sở Hội, cán bộ, hội viên nông dân tham gia đóng góp, ủng hộ 18,977 tỷ đồng, trên 78.600 ngày công lao động, hiến trên 47.100 m2 đất, làm mới, sửa chữa được 2.032,4 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 5 nhà văn hóa; hỗ trợ làm mới và sửa chữa 808 nhà ở cho hội viên nông dân nghèo. Các cấp hội tuyên truyền, vận động người dân phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt tại nguồn; vận hành có hiệu quả các tổ liên kết, tổ tiết kiệm vay vốn giúp hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ hội viên nông dân 6.200 tấn phân bón chậm trả, trị giá trên 46 tỷ đồng; quản lý hiệu quả chương trình vay bò, trả bê. Đến nay, tổng số hộ hưởng lợi từ chương trình này là 4.737 hộ, trong đó gần 1.500 hộ thoát nghèo.

Với những nỗ lực chung sức xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 54 xã đã được công nhận nông thôn mới, 8 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao và 01 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng chí Đào Thị Mai, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể trong phong trào xây dựng nông thôn mới, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã hoàn thành, đồng thời nỗ lực cùng với các cấp, các ngành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ngày một bền vững hơn./.

Lê Thành Trung/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục