Đường bê tông đến cuối đồng, giáp núi

Chương trình bê tông hóa đường giao thông nội đồng thực hiện thành công tại Tuyên Quang giúp những con đường bê tông nối đến cuối đồng, giáp núi thúc đẩy sản xuất phát triển.
Đường nội đồng được bê tông hóa giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân ở Tuyên Quang phát triển. Ảnh: Đào Thanh.

Lâm Bình là huyện vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Vì thế để làm được 1km đường bê tông ở đây là thành công gấp đôi, gấp ba những huyện khác. Bởi đường đi lại khó khăn, cước phí vận chuyển xi măng, cát, sỏi độn lên gấp nhiều lần, bởi tỷ lệ hộ nghèo ở đây cao nhất nhì tỉnh và mật độ dân cư thưa thớt.

Khó khăn là thế nhưng trong giai đoạn 2016-2020, người dân trong huyện vẫn làm được 20,3 km đường bê tông nội đồng vào vùng sản xuất hàng hóa, vượt 51% kế hoạch, nâng tỷ lệ đường nội đồng được bê tông hóa lên 69%, tăng 38,7% so với năm 2015.

Giờ đây con đường đi ra cánh đồng thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình dài hơn 200 m được bê tông kiên cố rộng thênh thang.

Ông Chẩu Văn Hồ, Bí thư chi bộ thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình cho biết, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền xã, thôn Nà Kẹm đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất, đóng góp vật liệu, kinh phí…

Sau một tháng thi công, con đường đã được hoàn thành. Con đường không chỉ giúp thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản mà còn là con đường đi học thuận tiện của nhiều em học sinh ở xóm núi.

Đường vào khu trồng bưởi, cam hơn 100 ha của thôn Hòn Vang, xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn trước đây rất khó khăn vì chủ yếu là đất đá cheo leo, gây nhiều cản trở cho vận chuyển bưởi, cam vào mùa thu hoạch.

Ông Trần Quốc Quân là người lâu năm gắn bó với cây cam, cây bưởi ở vùng đất này nên ông thấu hiểu được khát vọng có một côn đường bê tông kiên cố của người dân nơi đây. Bởi vậy, khi Nhà nước cung cấp xi măng, nhân dân đã đồng tình góp công của bê tông hóa hơn 1 km đường giao thông vào vùng trồng cây ăn quả.


Giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Tuyên Quang bê tông hóa được 470 km đường bê tông nội đồng, đường vào vùng sản xuất hàng hóa. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Quân cho biết, vùng đất này trù phú, mát mẻ phù hợp với trồng cam, bưởi nhưng mỗi tội đường đi thì quá khó khăn. Gần 4 ha cam, bưởi của ông những năm trước thu hoạch thường bị thương lái ép giá vì đường xấu. Nhưng hơn 2 năm qua, được tỉnh, huyện đầu tư mở đường, giá trị sản phẩm cam, bưởi của gia đình ông cũng như các gia đình trong thôn được nâng lên, mỗi năm ông thu 300 triệu đồng từ tiền bán cam, bưởi.

Thôn 5, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn có 148 hộ dân sinh sống. Trước đây những con đường ra cánh đồng thôn là đường đất nên việc triển khai sản xuất gặp nhiều khó khăn. Vào vụ thu hoạch bà con chỉ dám mang xe trâu, xe máy vận chuyển nông sản về vì đường quá khó đi.

Đấy là những ngày nắng, đường khô ráo chứ vào những ngày mưa thì chỉ có thể vận chuyển bằng xe máy, hoặc xe kéo tay vì đường quá lầy lội.

Khi Nghị quyết XV của Ban thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang triển khai trên tinh thần nhà nước cung cấp xi măng, nhân dân đóng góp ngày công, cát sỏi bà con trong thôn đồng tình hưởng ứng. Bởi thế, từ năm 2016 đến nay, toàn thôn đã đóng góp hơn 480 triệu đồng, làm được 1274 m đường giao thông nội đồng.

Bà Hoàng Thị Bích Thìn, Trưởng thôn 5, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn cho biết, giờ thì đường bê tông nối liền đến tận cuối các xứ đồng nên bà con không còn lo lắng việc vận chuyển nông sản. Kể cả ngày mưa xe ô tô tải vẫn chạy bon bon trên con đường nội đồng mà không sợ bị sa lầy bởi bùn đất.

Tuy thế để bảo vệ đường được bền lâu, thôn đã xây trụ bê tông ở đầu đường để không cho xe trọng tải lớn đi trên đường bê tông nội đồng.

Thực hiện Nghị quyết XV của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về kiên cố hóa đường giao thông nội đồng, đường vào vùng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2016-2020, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng 470 km đường nội đồng và đường vào vùng sản xuất hàng hóa, nâng tổng số đường nội đồng được bê tông hóa toàn tỉnh lên 702 km, đạt 42,87%, vượt 7,87% kế hoạch đề ra.

Đường giao thông nông thôn, đường vào khu sản xuất hàng hóa như cam, chè, mía, rừng được xây dựng góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, giải phóng sức lao động cho người nông dân, nâng cao giá trị sản phẩm.

Bài, ảnh: Đào Thanh/nongnghiep.vn

Tin cùng chuyên mục