Chiêm Hóa tạo sức bật về kinh tế từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ.. gắn với lợi thế của từng địa phương, chương trình đã đem lại thành công bước đầu cho người nông dân ở huyện Chiêm Hóa. Nhiều sản phẩm được chứng nhận thương hiệu và đang từng bước tạo sức lan tỏa rộng lớn trên thị trường qua đó tạo nguồn thu nhập khá cho người nông dân.

Sản phẩm Bánh gai Chiêm Hóa được người dân trong vùng và du khách thập phương biết đến từ bao đời nay. Với chất lượng đã được khẳng định, sản phẩm Bánh Gai Chiêm Hóa, nhất là bánh gai do các hộ gia đình ở thị trấn Vĩnh Lộc làm ra đã chinh phục được nhiều thực khách khi đến với Chiêm Hóa. Nhiều du khách đã trở thành khách quen. Để khai thác tối đa lợi thế này, thị trấn Vĩnh Lộc đã và đang từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu “Bánh gai Chiêm Hóa” ngày một lớn mạnh hơn. Từ đó, tạo sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ phát triển du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Bánh gai Chiêm Hóa đã và đang trở thành thương hiệu nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang. Năm 2017 Bánh Gai Chiêm Hóa đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bánh gai Chiêm Hóa” và đến nay đã đạt Thương hiệu OCOP 4 sao. Kết quả đạt được sẽ tạo đà quan trọng để sản phẩm Bánh Gai Chiêm Hóa phát triển bền vững.


Bánh Gai Chiêm Hóa đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bánh gai Chiêm Hóa” và đến nay đã đạt Thương hiệu OCOP 4 sao

Tháng 8 năm 2020, Cá kho Mạnh Mẽ đã được đánh giá và xếp hạng 3 sao. Đây là sản phẩm được xã Hòa Phú lựa chọn tham gia chương trình OCOP.  Anh Nguyễn Văn Mạnh Chủ cơ sở sản xuất cá kho Mạnh Mẽ xã Hòa Phú cho biết: Để được công nhận như hiện nay, Thương hiệu Cá kho Mạnh Mẽ đòi hỏi người chế biến phải có cái tâm học hỏi, tìm tòi để có cách làm, chế biến ngon nhất, hợp với khẩu vị, ẩm thực của địa phương, vùng miền.Tâm huyết của anh Mạnh không chỉ đem lại nguồn thu nhập tốt hơn cho gia đình mà những hộ dân nuôi cá ở địa phương cũng được hưởng lợi từ sản phẩm OCOP này. 


Cá kho Mạnh Mẽ xã Hòa Phú - chất lượng nguyên liệu đầu vào đảm bảo ngay tại địa phương.

Dù mới được thành lập từ năm 2017 nhưng Hợp tác xã Chè Pà Thẻn xã Linh Phú đã bước đầu khẳng định được hiệu quả trong sản xuất kinh doanh với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và mới đây nhất là đạt chứng nhận 3 sao trong chương trình OCOP với thương hiệu sản phẩm Chè Pà Thẻn Linh Phú. Hiện nay, diện tích chè Pà Thẻn có trên 30ha, theo các hộ trồng chè, để đạt được sản phẩm tốt phải đảm bảo quy trình từ việc canh tác đúng kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm từ các chương trình khuyến nông và những địa phương tham gia trồng chè trước đó. Từ một xã kinh tế còn nhiều khó khăn, nhờ có cây chè đã giúp nhiều hộ dân nơi đây có thu nhập ổn định. Việc thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn là hướng đi đã và đang đem đến nhiều lợi ích cho nhân dân xã Linh Phú. Song hành với những nỗ lực của bà con chính là sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương. 

Thương hiệu chè Pà Thẻn xã Linh Phú đã và đang vươn xa tới nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh

Huyện Chiêm Hóa hiện có 02 sản phẩm đạt thương hiệu 4 sao là Lạc nhân Chiêm Hóa và Bánh gai Chiêm Hóa; có 12 sản phẩm đạt thương hiệu 03 sao gồm các sản phẩm như Chè Pà Thẻn Linh Phú; Cá kho Mạnh Mẽ xã Hòa Phú; Rượu nếp cất 2 lần ông Chấp thị trấn Vĩnh Lộc; Cam sành Trung Hà; Thịt trâu Hùng Mỹ; Cá Chiên Yên Nguyên… tất cả các sản phẩm đã và đang phát huy hiệu quả theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Đây là một chương trình rất thiết thực, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ thành công bước đầu trong việc xây dựng thương hiệu OCOP ở các xã, thị trấn, trong thời gian tới huyện Chiêm Hóa xác định sẽ tiếp tục khơi dậy sức sáng tạo của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để những sản phẩm mang thế mạnh của địa phương được phát triển mạnh hơn. Qua đó, đưa chương trình OCOP phát triển bền vững và thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế ở vùng nông thôn.

Bài, ảnh: Tài Tùng-Văn Linh/Chiemhoa.gov.vn

Tin cùng chuyên mục