Xây dựng nông thôn mới ở thôn đặc biệt khó khăn

Thượng Minh là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Hồng Quang huyện Lâm Bình. Trong những năm qua nhân dân trong thôn đã đoàn kết giúp nhau vượt qua mọi khó khăn, thay đổi tập quán sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình có 170 hộ, 743 khẩu, gồm 04 dân tộc sinh sống, chủ yếu là dân tộc Pà Thẻn (chiếm 67%), Mông (chiếm 14%), Thủy (chiếm 16,5%), Dao (chiếm 2,5% ). Kinh tế của thôn chủ yếu dựa vào phát triển nông lâm nghiệp. Trong những năm qua chi bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể thôn Thượng Minh đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Với phương châm, đảng viên gương mẫu làm trước, đồng thời vận động người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, chọn giống tốt có năng suất chất lượng vào sản xuất, nuôi trồng, tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường bê tông nông thôn, hiến đất làm nhà văn hóa, sân thể thao…


Người dân giúp nhau làm nhà ở mới cho hộ nghèo (Nguồn ảnh: Cổng Thông tin điện tử huyện Lâm Bình)

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chi bộ thôn Thượng Minh đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề, lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tập trung phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Ban công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở thôn thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và huy động sức đóng góp của nhân dân, thôn đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà văn hóa thôn, làm mới 80m đường bê tông nông thôn, xây dựng 02 cầu tràn, lắp đặt 1.035m kênh mương bằng cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn phục vụ việc tưới tiêu gắn với hoàn thành tiêu chí Thủy lợi, xóa 09 nhà tạm dột nát cho 09 hộ nghèo trong thôn. Các công trình đều được chính quyền thôn tổ chức họp dân, để nhân dân tham gia bàn bạc công khai dân chủ đối với các khoản do dân đóng góp. Nhờ vậy khi thôn triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực từ người dân.


Thực hiện kiên cố hóa kênh mương đã huy động được sự tham gia tích cực từ các tổ chức đoàn thể và nhân dân (Nguồn ảnh: Cổng Thông tin điện tử huyện Lâm Bình)

Bên cạnh việc huy động sức dân tham gia đóng góp để xây dựng một số công trình hạ tầng phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong thôn, chính quyền thôn cũng đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Với đặc thù là thôn thuần nông, kinh tế nông nghiệp phát triển chủ yều từ trồng rừng (diện tích đất lâm nghiệp chiếm 80%). Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đã chú trọng phát triển rừng. Ngoài chống biến đổi khí hậu thì khai thác tiềm năng phát triển kinh tế rừng đang là giải pháp hàng đầu về xóa đói giảm nghèo nơi đây. Có thể nói, phong trào trồng rừng tại Thượng Minh phát triển mạnh. Diện tích rừng trồng mới hàng năm vượt kế hoạch đề ra. Nhiều hộ gia đình trước đây luôn là “điểm nóng” của việc phá rừng làm nương rẫy thì nay bà con đã nhanh chóng phủ xanh diện tích nương rẫy bằng rừng keo, đưa diện tích rừng trồng mới của Thượng Minh đạt gần 20 ha mỗi năm.

Ngoài ra, từ diện tích đất nông nghiệp chiếm 15%, người dân trong thôn đã canh tác bằng nghề trồng lúa nước. Thời gian qua, bà con trong thôn đã vận dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trồng lúa, thay thế, lựa chọn giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt để đưa vào sử dụng. Năng suất bình quân  năm 2017 đạt 62 tạ/ha (tăng 0,8% so với năm 2016 năng suất đạt 55 tạ/ha).

Chăn nuôi cũng có những chuyển biến tích cực, từ việc các hộ gia đình trong thôn chỉ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, đến nay đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm (đàn trâu 328 con, đàn bò 15 con, đàn lợn 188 con, đàn gia cầm 667 con, đàn dê 105 con.  Đời sống nhân dân trong thôn ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 860.000 đồng/người/tháng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 80% năm 2017 xuống còn 75% năm 2018.

Ông Hoàng Văn Trường, Trưởng thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, Lâm Bình cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng diện mạo thôn Thượng Minh đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong thôn ngày càng tăng lên. Với sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy chính quyền và người dân trong thôn, Thôn Thượng Minh đã đạt “Thôn văn hóa tiêu biểu” liên tục trong 03 năm. Vừa qua nhân dân và Chi bộ thôn là một trong những đơn vị được biểu dương tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Để Chương trình xây dựng nông thôn mới sớm phát huy hiệu quả ở các thôn khó khăn như Thượng Minh, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp các xã này rút ngắn được khoảng cách với các thôn, xóm vùng đồng bằng, tạo lực để phấn đấu vươn lên thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới./.

Thu Hương/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục