Tuyên Quang xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn

Khi áp dụng Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, thực tiễn tại các địa phương ở Tuyên Quang cho thấy còn nhiều khó khăn. Lũy kế đến hết năm 2022 toàn tỉnh dự kiến có 62/122 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (chiếm 50,82%); 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thành phố Tuyên Quang đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020; tiêu chí bình quân nông thôn mới toàn tỉnh đạt 15,12 tiêu chí/xã. NTM ở Tuyên Quang khó chồng khó, khi đồng thời phải nâng các tiêu chí theo cách đánh giá mới, đồng thời phấn đấu thêm huyện Sơn Dương đạt chuẩn NTM vào năm 2025.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang họp đánh giá tiến độ xây dựng NTM năm 2023

Còn nhiều khó khăn

Nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, ưu tiên bố trí nguồn lực, sự kiểm tra sát sao tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới của cấp uỷ đảng, chính quyền; sự chủ động của địa phương, đơn vị trong chỉ đạo, phân công nhiệm vụ thực hiện các nội dung, tiêu chí nông thôn mới đã tạo điều kiện thuận lợi cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, tiến độ xây dựng nông thôn mới thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho Chương trình còn thấp, trong khi nhiều xã có rất nhiều tiêu chí cần vốn hỗ trợ của Nhà nước. Một số tiêu chí tuy đạt nhưng tỷ lệ chưa cao hoặc thiếu bền vững như: Bảo hiểm y tế, môi trường, thu nhập, hộ nghèo. Chuyển dịch cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp còn chậm. Việc thực hiện liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân đã được hình thành bước đầu đã đem lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, mối liên kết này vẫn còn thiếu tính bền vững, nhất là khi giá bán sản phẩm trên thị trường biến động theo hướng giảm thì phần thiệt hại luôn thuộc về người nông dân trực tiếp sản xuất, nên việc đầu tư tái sản xuất mở rộng quy mô còn hạn chế.

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do Tuyên Quang có nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa trên nền tảng nông nghiệp. Tỷ trọng nông nghiệp chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế, chủ yếu vẫn còn ở quy mô sản xuất vừa và nhỏ, giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa khai thác hết tiềm năng kinh tế, nguồn thu còn nhiều khó khăn chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển ở địa phương. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn ít so với tiềm năng và lợi thế tỉnh. Đồng thời, các yếu tố khách quan như giá cả các mặt hàng nông sản, thủy sản thiếu ổn định, thị trường đầu ra đôi lúc gặp khó khăn, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gây khó khăn cho quá trình chuyển dịch cơ cấu nội ngành. Các xã chưa có cán bộ chuyên trách về xây dựng nông thôn mới nên khó khăn trong công tác tham mưu.

Ngoài khó khăn do các tiêu chí, chỉ tiêu được nâng cao thì theo quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, các xã khu vực III, khu vực II sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và không còn được hưởng các chế độ ưu đãi những chính sách hỗ trợ người dân xã vùng III như giáo dục, bảo hiểm y tế… bị cắt giảm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình xây dựng NTM trong tỉnh.

Trong giai đoạn mới, việc “lấy dân làm gốc” chính là nền tảng, nguồn lực, động lực lâu dài cho NTM. Tuy nhiên, cùng với đó là phải “khoan thư sức dân”, nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Xét đến cùng, NTM, NTM nâng cao hay NTM kiểu mẫu và các quy định về tiêu chí NTM vẫn có một mục đích chung là vì cuộc sống giàu đẹp, hạnh phúc của nhân dân. Ðể đạt được mục tiêu ấy, người dân phải thật sự thông suốt, đồng thuận, đồng hành trong xây dựng NTM. NTM không phải là điểm dừng, là cái đích cơ học, vật lý, trong quá trình ấy, việc lắng nghe những ý kiến phản biện, đóng góp, từ đó có những điều chỉnh sát hợp, những giải pháp hữu hiệu, khả thi là hết sức cần thiết, để NTM thật sự là của dân, do dân và vì dân.”

Trần Hồng Khuyên/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục