Tuyên Quang nỗ lực đạt mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu

Sau xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là bước tiến cao hơn, hướng đến sự phát triển toàn diện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại. Theo đó, các xã NTM nâng cao của Tuyên Quang đang nỗ lực trên hành trình chinh phục mục tiêu xã NTM kiểu mẫu.

Sơn Nam ra quân vệ sinh môi trường

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 54/122 xã đạt chuẩn NTM và 08/122 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Năm 2022 phấn đấu có thêm 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là: xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương và xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn.

Theo Quyết định số 480/QĐ-UBND ngày 04/8/2022 của UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành tiêu chí xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 phải đáp ứng các yêu cầu sau: Phải đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã NTM kiểu mẫu phải cao hơn từ 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã NTM nâng cao tại cùng thời điểm; có ít nhất một thôn đạt chuẩn “Tiêu chí thôn thông minh”. Bên cạnh đó phải đạt chuẩn một trong các tiêu chí sau: xã NTM kiểu mẫu về tổ chức sản xuất; xã NTM kiểu mẫu về giáo dục; xã NTM kiểu mẫu về văn hóa, du lịch; xã NTM kiểu mẫu về môi trường và chất lượng môi trường sống...

Trên cơ sở rà soát các tiêu chí, để được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về môi trường và chất lượng môi trường sống năm 2022, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương tiếp tục nâng chất các tiêu chí về thu nhập, giảm nghèo, xây dựng sản phẩm OCOP, vận động người dân mua bảo hiểm y tế, mở rộng đường giao thông nông thôn; xây dựng thôn Thác Nóng đạt tiêu chí thôn thông minh; rà soát từng hộ gia đình, tuyên truyền vận động 100% hộ gia đình sử dụng Intenet hoặc sóng thông tin di động 3G/4G; xây dựng hệ thống loa truyền thanh thông minh của thôn để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các văn bản chỉ đạo của huyện, xã tới 100% các hộ gia đình trong thôn; huy động xã hội hóa lắp đặt 09 camera giám sát an ninh tại tuyến đường, các khu vực thôn. Ngoài ra chính quyền xã còn đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại ở phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững; vận động cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giúp hỗ trợ cho 113 hộ nghèo tại xã phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo đồng thời hỗ trợ làm nhà cho 10 hộ nghèo; Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết hộ để sản xuất các sản phẩm rau củ quả tại các thôn Thanh tân, Thanh Thất, Cây Cọ, Đồng xe, Thác Nóng, chăn nuôi tại thôn Cây Cọ, Tân Bình, Cao Đá, Làng Nàng. Các hoạt động kinh doanh, buôn bán, xưởng gia công cơ khí, may mặc, đồ gỗ tại Thanh Thất, Ba Nhà, Vườn Quan, Quyết Thắng, Lõng Khu… nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu mục tiêu hết năm 2022 nâng thu nhập bình quân đầu người lên trên 51,7 triệu đồng/người/năm, tiếp tục đẩy mạnh khai thác tiềm năng sẵn có, phát huy lợi thế, tạo bước đột phá về phát triển nông nghiệp dịch vụ, du lịch, góp phần chuyển biến mạnh về cơ cấu kinh tế, phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2022.

Sau khi về đích NTM nâng cao cuối năm 2021, diện mạo xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn chuyển biến rõ nét. Nổi bật nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng dần hoàn thiện; xã quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, hình thành các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới. Đăng ký về đích xã NTM kiểu mẫu về Tổ chức sản xuất năm 2022, Mỹ Bằng đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi; triển khai thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP có hiệu quả, sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy, tiêu chuẩn OCOP 4 sao của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, đã chính thức lên sàn thương mại điện tử Postmart quốc gia. Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Mỹ Bằng với hai sản phẩm chủ lực, có thương hiệu mạnh trên thị trường, là chè Bát Tiên và gà ri lai chất lượng cao. Sản phẩm chè Bát Tiên của Hợp tác xã nông lâm nghiệp xã Mỹ Bằng không chỉ được người tiêu dùng đánh giá cao mà còn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu “Chè Bát Tiên Mỹ Bằng” …Khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương Mỹ Bằng đã xây dựng thành công nhãn hiệu sản phẩm, gà chất lượng cao của xã Mỹ Bằng và đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu sản phẩm, trở thành sản phẩm nông sản thứ 4 ở Mỹ Bằng được công nhận thương hiệu.

Trang trại bò sữa của Công ty cổ phần Hồ Toản được xây dựng tại thôn 14, xã Mỹ Bằng với số lượng đàn nuôi gần 2.000 con. Mô hình được xây dựng theo quy mô chăn nuôi tập trung với hệ thống chuồng trại, kho trữ thức ăn đảm bảo, áp dụng quy trình kỹ thuật công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm trong chăn nuôi. Mỗi con bò đều được gắn chíp điện tử để quản lý, kiểm soát khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng cũng như dịch bệnh, năng suất sữa. Được đánh giá là đơn vị mở đầu cho làn sóng ứng dụng công nghệ hiện đại vào chăn nuôi bò sữa không chỉ tại Tuyên Quang mà trên cả nước. Toàn bộ hệ thống quản lý, vận hành các hoạt động bên trong trang trại từ chế biến thức ăn, theo dõi sức khỏe cho đàn bò, làm mát, xử lý chất thải, vắt sữa, bảo quản sữa tươi... đã được tự động hóa. Nhờ có hướng đi đúng, gắn xây dựng nhãn hiệu hàng hóa với nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhóm tiêu chí về mức sống, thu nhập của xã Mỹ Bằng đã được nâng lên mốc cao hơn. Xã có trên 90% nhà ở kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; thu nhập bình quân năm 2021 của người dân đạt 46,5 triệu đồng/người/năm, phấn đấu hết năm 2022 đạt 51,7 triệu đồng/người/năm.   

Theo ông Lê Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Tuyên Quang, Bộ tiêu chí về xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 có 2 yêu cầu vừa mới vừa khó thực hiện, đó là mô hình thôn thông minh và lĩnh vực nổi trội nhất của địa phương để chọn ra làm mẫu. Đơn cử, xã chọn lĩnh vực về tổ chức sản xuất, phải có ít nhất một mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt hiệu quả kinh tế; Tỷ lệ sản phẩm chủ lực của xã được bán qua kênh thương mại điện tử phải đạt 30%³. Do vậy, đòi hỏi các địa phương phải tập trung mọi nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chí NTM kiểu mẫu. Về phía Văn phòng Điều phối sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành thành phố thường xuyên cập nhật các chỉ tiêu, nội dung hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương về các tiêu chí để hướng dẫn cho các địa phương đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu thực hiện đúng và đạt yêu cầu đề ra...

“Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” và triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu chính là việc duy trì, kế thừa và tiếp tục xây dựng NTM đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cuộc sống của người dân. Tin tưởng rằng với sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, cùng với đó là sự ủng hộ của cấp trên và nhân dân địa phương, các xã NTM kiểu mẫu của Tuyên Quang sẽ hoàn thành theo đúng lộ trình đề ra./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục