Từ nông thôn mới đến nông thôn mới nâng cao

Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Để nâng “chất” nông thôn mới, năm 2019, tỉnh đã lựa chọn 2 xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) và Tràng Đà (thành phố Tuyên Quang) xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao được xây dựng dựa trên việc nâng “chất” các tiêu chí của xã nông thôn mới, tuy vậy, mục tiêu hướng đến vẫn là ấm no về vật chất, vui tươi về tinh thần cho nhân dân. Đơn cử như tiêu chí về hạ tầng giao thông được yêu cầu cao hơn: Phải có hệ thống đảm bảo an toàn giao thông, chiếu sáng và trồng cây xanh tại các tuyến đường khu trung tâm tập trung dân cư. Hay như tiêu chí về phát triển sản xuất phải đảm bảo có mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến hoặc mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của xã đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm… Đặc biệt, ở giai đoạn này, vai trò của Nhà nước cũng “lùi dần”, ưu tiên cho người dân khẳng định rõ vai trò chủ thể trong tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao. 


Mô hình trồng hoa lan của ông Lê Văn Hạnh, xóm 10, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang). Ảnh: Thu Hương

Đầu năm 2019, Mỹ Bằng (Yên Sơn) được đưa ra khỏi danh sách các xã trọng điểm về an ninh trật tự. Phó Chủ tịch UBND xã Ngô Đức Tuyên cho biết, đây là kết quả sau nhiều năm xã nỗ lực giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Để môi trường nông thôn được đảm bảo, Mỹ Bằng đã xây dựng quy chế phối hợp với 7 xã giáp ranh thuộc 2 tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn. Tại các vị trí giáp ranh, có cắm biển cấm không vứt rác bừa bãi. Xã cũng đã mở rộng từ 2 thôn làm điểm về cảnh quan môi trường ra tất cả 25/25 thôn. Tại tất cả các thôn đều đã có tuyến đường mẫu và công trình điện chiếu sáng, trong khi mục tiêu ban đầu là trong năm 2019 chỉ có khoảng 5 thôn hoàn thành nội dung này. 

Tiêu chí thu nhập hiện là một trong những tiêu chí Mỹ Bằng đang nỗ lực để hoàn thành. Đánh giá thời điểm đầu năm 2019, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 33,6 triệu đồng/người/năm. Để đạt được mức thu nhập bình quân trên 36 triệu đồng/người/năm, Mỹ Bằng khuyến khích người dân khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế từ ngành nghề truyền thống, cải tạo vườn chè già cỗi, trồng thay thế bằng các giống chè lai, chè đặc sản có năng suất, chất lượng cao; liên kết sản xuất, chế biến chè xuất khẩu bảo đảm sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ. Hiện xã có trên 400 hộ liên kết với Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm để trồng chè nguyên liệu trên 900 ha, năng suất chè bình quân của xã đạt 15,2 tấn/ha, tăng 2 tấn so với năm 2014; cá biệt có vườn chè năng suất lên đến trên 20 tấn/ha, trung bình mỗi năm xã Mỹ Bằng thu khoảng 50 tỷ đồng từ cây chè.

Ngoài cây chè, xã vận động bà con linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó ưu tiên những cây, con có đầu ra ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phó Chủ tịch UBND xã Ngô Đức Tuyên cho biết, cái khó trong nâng cao thu nhập của người dân hiện nay chính là việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Vốn là một xã thuần nông, đã từng có hàng chục trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, dịch tả lợn châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp đã khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, xã vận động bà con chuyển đổi sang chăn nuôi gà thịt. Mỹ Bằng có lợi thế là đã xây dựng được 2 nhãn hiệu hàng hóa liên quan là trứng gà sạch Bùi Hùng và gà sạch Mỹ Bằng. Hiện đã có gần chục hộ chăn nuôi quy mô trên 1.000 con và khoảng 200 hộ chăn nuôi quy mô từ 100 - 500 con. Sản phẩm gà sạch Mỹ Bằng hiện đã có mặt tại Siêu thị Tuyên Quang, số lượng tuy chưa nhiều, nhưng đây cũng là cơ hội để sản phẩm tiếp tục chinh phục những thị trường khó tính hơn. Mỹ Bằng hiện cũng là địa phương đã xây dựng được nhiều nhãn hiệu hàng hóa nhất tỉnh, từ gà sạch Mỹ Bằng, trứng gà sạch Bùi Hùng, táo Phù Yên, táo Yến Minh, khoai da xanh Mỹ Bằng, chè Bát tiên Mỹ Bằng… Với những kết quả này thì tiêu chí thu nhập ở Mỹ Bằng hiện tương đối khả quan. 

Trong khi đó, tại xã Tràng Đà, tiêu chí thu nhập hiện đã cơ bản hoàn thành, đánh giá thời điểm cuối tháng 6 - 2019, mức thu nhập bình quân đầu người của Tràng Đà đạt 36 triệu đồng/năm. Có được kết quả này là nhờ xã đã làm tốt công tác quy hoạch các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi. Cụ thể, Tràng Đà hiện có 25 ha cây ăn quả ở xóm 9, xóm 10 cho thu nhập trên 70 triệu đồng/ha; 75 lồng nuôi cá trên sông Lô tại các xóm 1, 4, 8, 11; hình thành Câu lạc bộ trồng hoa lan ở xóm 10, xóm 6, nhiều hộ cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm. 

Tuy nhiên, Tràng Đà vẫn còn một số chỉ tiêu chưa hoàn thành, như tiêu chí tổ chức sản xuất, do chưa xây dựng được sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm là tiềm năng, thế mạnh của địa phương và giá trị của sản phẩm tăng ít nhất 1,5 lần so với sản phẩm đại trà khác; cơ giới hóa đạt 100%, nhưng khâu chăm sóc và thu hoạch chưa đạt từ 60% trở lên; chưa xây dựng được mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến sản phẩm an toàn, sạch hoặc mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ; việc thực hiện vệ sinh môi trường chưa thường xuyên... Đây là những chỉ tiêu thành phần, nhưng cũng giữ vai trò quyết định đối với nhóm tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Hiện, Tràng Đà tập trung xây dựng sản phẩm cá đặc sản Tràng Đà theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; đồng thời, vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường, đảm bảo cảnh quan sạch đẹp… 

Từ nông thôn mới đến nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tỉnh ta đang phấn đấu nâng “chất” cho từng vùng quê nông thôn theo đúng phương châm: Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc…

Bài, ảnh: Trần Liên/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục