Sức bật Hồng Thái

Vốn là một xã nghèo, khó khăn của huyện Na Hang, nhưng năm 2019 xã Hồng Thái phấn đấu “về đích” xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là mục tiêu mà trước đây ít người dám nghĩ tới, nhưng bằng những nỗ lực, sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân, xã Hồng Thái đã không ngừng vươn lên, khai thác tiềm năng, thế mạnh để trở thành vùng đất trù phú.

Trồng rau trái vụ tại thôn Bản Muông, xã Hồng Thái.

Khởi sắc ở xã vùng cao

Con đường từ xã Đà Vị lên Hồng Thái khoảng 10 km chỉ có dốc lên mà không có xuống. Bởi thế, hầu hết các thôn của xã Hồng Thái đều nằm ở độ cao xấp xỉ 1.000 m so với mặt nước biển. Khí hậu của Hồng Thái quanh năm mát mẻ. Cảnh quan thiên nhiên của Hồng Thái thật hùng vĩ. Đứng ở bất cứ vị trí nào ở Hồng Thái cũng cho ta cảm giác như đứng trên đỉnh núi. Nhìn ngang tầm với những đỉnh núi khác, thấy những nếp ruộng bậc thang trải dài theo triền đồi, triền núi, đẹp như một bức tranh. Vào buổi sáng, đứng ở Hồng Thái như đứng trên những tầng mây, có thể ngắm nhìn những đám mây lượn vòng chân núi. 

Còn nhớ cách đây khoảng 6 năm chúng tôi có dịp lên Hồng Thái công tác, con đường chưa được trải nhựa như bây giờ. Hôm nay trở lại Hồng Thái, con đường nhựa từ Đà Vị lên trung tâm xã đã được tỉnh đầu tư làm mới, chỉ mất hơn chục phút là chúng tôi đã có mặt ở trung tâm xã. Tiếp chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái Đặng Đức Toàn vui mừng chia sẻ về những đổi thay của Hồng Thái, cũng như kết quả xây dựng nông thôn mới xã đã đạt được.

Đến thời điểm hiện tại, Hồng Thái đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng NTM. Hiện còn 4 tiêu chí chưa đạt gồm: tiêu chí trường học, tiêu chí hộ nghèo, tiêu chí thu nhập và tiêu chí môi trường. Đối với tiêu chí trường học đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện xã đang triển khai các bước tiếp theo để đầu tư xây dựng theo quy định. Trong xây dựng NTM đối với Hồng Thái hiện nay quan trọng nhất là phải làm thế nào để nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Với tiêu chí hộ nghèo từ đầu năm đến nay xã đã giảm được 13/42 hộ, hiện còn 13,6%, với tiến độ này từ nay đến cuối năm xã sẽ hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12%. Tiêu chí thu nhập mục tiêu đến cuối năm sẽ là 33 triệu đồng/người/năm, hiện nay xã đã đạt 29,22 triệu đồng/người/năm. 

Khai thác tiềm năng, thế mạnh

Anh Đặng Đức Hầu, Giám đốc HTX Tân Hợp luôn tất bật với công việc bởi HTX của anh đảm đương nhiệm vụ quan trọng, đó là tập hợp bà con tổ chức trồng các loại rau, chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống rồi cả thu mua. Anh Hầu chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, các mô hình trồng khảo nghiệm các loại rau đều thành công. Vụ rau vừa qua, cả xã vận động được 30 hộ ở các thôn Khau Tràng, Nà Mụ, Bắc Khoang trồng bắp cải, su hào, súp lơ theo hướng trồng rau an toàn. Tổng kết vụ, thu được hơn 100 tấn rau các loại, được trên 700 triệu đồng.

Anh Đặng Đức Hầu, Giám đốc HTX Tân Hợp, xã Hồng Thái kiểm tra sinh trưởng
của cây bí được trồng tại thôn Khuổi Phầy.

Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm rau cho bà con, huyện Na Hang đã giúp xã Hồng Thái mở gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm rau an toàn ngay tại trung tâm thị trấn Na Hang. Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp Nhãn hiệu độc quyền rau an toàn cho xã Hồng Thái. Anh Hầu còn tiết lộ, sắp tới rau của Hồng Thái sẽ chính thức có mặt trong hệ thống Siêu thị Vinmart, hiện hầu hết các quy trình, thủ tục đảm bảo tiêu chuẩn rau an toàn đã được đánh giá tốt, chỉ còn chờ kiểm định chất lượng nguồn nước tưới nữa là xong. 

Núi Kia Tăng là ngọn núi cao nhất ở Hồng Thái, với độ cao gần 1.300 m so với mực nước biển, đây là địa bàn thuộc thôn Khuổi Phầy, thôn có 38 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nơi đây chính là vùng chè nguyên liệu của Công ty cổ phần Chè Kia Tăng, thông qua HTX chè Sơn Trà để thu mua nguyên liệu. Hiện HTX có vùng nguyên liệu với diện tích trên 30 ha chè Phúc Vân Tiên và  Kim Tuyên, 64 ha chè Shan tuyết cổ thụ. Mỗi năm HTX thu mua trên 150 tấn chè búp tươi của bà con với giá từ 18 đến 25 nghìn đồng/kg. Hiện tại, Công ty cổ phần Chè Kia Tăng đang triển khai khảo sát, đo đạc xác định nhu cầu sử dụng đất và lập dự án xây dựng mở rộng nhà máy chế biến chè tại thôn Khuổi Phầy.

Khuổi Phầy vốn là một thôn nghèo, nhưng kể từ ngày cây chè trên đỉnh Kia Tăng “lên ngôi” cùng với các loại cây rau, cây lê đã thực sự làm “đổi đời” cho rất nhiều hộ dân trong thôn. Từ một trong những thôn nghèo nhất của xã Hồng Thái có đến gần 90% hộ nghèo, thì đến nay Khuổi Phầy còn 13 hộ, trong năm nay thôn phấn đấu giảm thêm 5 hộ. Ngay trong năm nay, thôn Khuổi Phầy chuyển đổi 5 ha diện tích đất trồng ngô, lúa sang trồng rau, 2,5 ha đất trồng lê. Hiện thu nhập bình quân của thôn Khuổi Phầy đạt 2,96 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức trung bình của cả xã.  

Nói đến Hồng Thái, người Tuyên Quang ai cũng biết đến với sản vật là quả lê. Lê Hồng Thái được xem là đặc sản hiếm có được thiên nhiên nơi đây ban tặng. Lê Hồng Thái có vị ngọt mát, màu sắc khác biệt với lê thông thường. Trung bình 3 quả được 1 kg, có quả to tới cả kg. Mỗi một cây lê cho thu hoạch từ  60 - 70 kg quả, cá biệt có cây được tới 2 tạ quả/vụ. Giá thu mua lê tận gốc hiện nay là 15 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi cây lê thu được 1 triệu đồng/vu. Mỗi ha có thể trồng được 400 gốc lê, điều đó cho thấy hiệu quả kinh tế từ cây lê Hồng Thái là rất lớn. Hiện toàn xã. Hồng Thái có 48 ha diện tích đất trồng lê, trong đó có 27 ha đang cho thu hoạch. Xã đang triển khai Dự án “Hỗ trợ phát triển cây lê theo hướng sản xuất hàng hóa”, tiếp tục quy hoạch, mở rộng diện tích trồng lê.

Mấy năm gần đây, Hồng Thái còn được biết đến là một địa danh du lịch của huyện Na Hang. Năm 2018, huyện Na Hang tổ chức thành công Lễ hội ruộng bậc thang Hồng Thái, đây là một trong những điểm nhấn quan trọng để du khách biết đến một vùng đất có nhiều hoa thơm, trái ngọt, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ say đắm lòng người. Hạ tầng du lịch của Hồng Thái đang từng bước được đầu tư, ngoài một số nhà nghỉ, nhà hàng, trên địa bàn xã có 5 hộ làm mô hình du lịch cộng đồng. 

Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái Đặng Đức Toàn phân tích những yếu tố để Hồng Thái có được như ngày hôm nay. Ông cho rằng, nhờ thiên nhiên ưu đãi, Hồng Thái có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, du lịch. Nhờ vậy, trong thời gian qua, Hồng Thái đã được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, triển khai nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả. Nắm bắt thời cơ, cấp ủy, chính quyền xã đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai có hiệu quả, được người dân ủng hộ, 100% người dân trong xã đã ký cam kết thực hiện các nội dung, các chỉ tiêu, tiêu chí. Đặc biệt, trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo, người dân đã chủ động đăng ký tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất của huyện như: trồng lê, chè và trồng rau an toàn, rau trái vụ. Đó chính là những động lực, tạo cho Hồng Thái có được sức bật mới, phấn đấu “về đích” NTM trong năm 2019.

Bài, ảnh: Thanh Phúc/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục