Nâng cao hoạt động của các Hợp tác xã và cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Lâm Bình

Với vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất, hiện nay các Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Lâm Bình đang tham gia tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị tăng cao.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, đến nay, kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX trên địa bàn huyện Lâm Bình đã có những bước phát triển tích cực, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho người dân tại địa phương. Với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, liên kết rộng rãi, người lao động, các hộ sản xuất kinh doanh, các HTX trên địa bàn huyện Lâm Bình đã phát triển tăng về số lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh được nâng cao, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương và góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Nếu như trước đây, các HTX nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Lâm Bình chủ yếu cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con nông dân và các xã viên thì đến nay, các HTX đã tích cực đổi mới về hình thức, tổ chức, nội dung hoạt động và phương thức quản lý để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Huyện Lâm Bình hiện có 52 HTX, trong đó có 24 HTX phi nông nghiệp. Nhiều HTX đã chứng minh được hiệu quả hoạt động trong việc định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh.

Được thành lập trên cơ sở hợp nhất của 03 HTX, HTX Nônglâm nghiệp Thổ Bình, xã Thổ Bình đã chủ động xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương cũng như cơ chế thị trường. Bên cạnh việc duy trì các hoạt động, cung ứng giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, việc tham gia thực hiện một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới cũng được HTX đặc biệt quan tâm. Từ năm 2018, HTX Nông, lâm nghiệp Thổ Bình đã thực hiện Dự án liên kết sản xuất và sơ chế Lạc khô thương phẩm và dự án liên kết chăn nuôi và tạo giống dê. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt Dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi Dê thương phẩm theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP. HTX Nông, lâm nghiệp Thổ Bìnhđã nhận thức rõ việc thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, HTX đã chủ động trong việc đổi mới hoạt động, nâng cao công tác quản lý, bảo đảm nguồn vốn để hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt việc chủ động phối hợp với các ngành, các phòng ban chuyên môn của huyện để xây dựng nhãn hiệu sản phẩm dê núi Thổ Bình, đến nay lạc nhân, lạc củ và dê núi Thổ Bình đã được công nhận sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao. HTX cũng đã thực hiện chuỗi liên kết cung ứng con giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người chăn nuôi dê. Thành công ban đầu của 02 dự ánđã góp phần hình thành và phát triển 02 chuỗi sản xuất hàng hóa nông sản chủ lực của địa phương, từ đó nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp và giải quyết đầu ra sản phẩm cho nhân dân trong xã. Đồng thời khẳng định hướng đi đúng đắn của HTX Nông, lâm nghiệp Thổ Bình trong nâng cao chất lượng hoạt động
của HTX.

Dự án liên kết chăn nuôi và tạo giống dê của HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình

Phát huy các thế mạnh của địa phương, đặc biệt là chăn nuôi gia súc theo hình thức nuôi nhốt, vỗ béo cũng là hướng đi được HTX Nông lâm nghiệp Bình An, xã Bình An thực hiện. Sau những thành công ban đầu của mô hình chăn nuôi trâu nhốt vỗ béo, HTX Nông lâm nghiệp Bình An đã chủ động liên kết với HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn cung cấp thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh, cách ủ thức ăn cho trâu, bò và đảm bảo khâu bao tiêu sản phẩm cho các hộ gia đình trên địa bàn. Nhận thấy hiệu quả và lợi nhuận cao từ việc nuôi trâu nhốt vỗ béo, hợp tác xã đã tích cực tuyên truyền, vận động xã viên nhân rộng mô hình và mở rộng diện tích trồng cỏ để nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo. Từ những kiến thức được tiếp thu sau các lớp tập huấn, các thành viên của HTX đã nắm được chế độ dinh dưỡng, công tác vệ sinh phòng bệnh để nâng cao hiệu quả kinh tế từ mô hình này.

Trong những năm gần đây, du lịch của huyện Lâm Bình đã có nhiều khởi sắc. Nhằm phát huy thế mạnh, Lâm Bình đã hình thành các HTX sản xuất kinh doanh gắn với du lịch trải nghiệm nông thôn.Ngoài việc liên kết, hình thành hệ thống Homestay, nhiều HTX mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị kỹ thuật, sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Nguyên liệu được tận dụng triệt để, dưới bàn tay, sự sáng tạo của những người thợ là chính những con em đồng bào địa phương, các sản phẩm từ tre như: bát, cốc, bộ ấm chén uống trà; thìa, dĩa đã trở thành những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương và đã được nhiều du khách và người tiêu dùng sử dụng. Cùng với việc sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, thông qua du lịch cũng là những cơ hội để các HTX trên địa bàn huyện Lâm Bình tiếp cận được với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động cho chính các HTX trên địa bàn huyện.

Theo đánh giá chung của huyện Lâm Bình, bên cạnh những ưu điểm, mô hình HTX hiện nay trên địa bàn huyện còn có những hạn chế như: một số HTX thiếu chủ động trong việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh để phát triển HTX; xây dựng mô hình kinh tế theo chuỗi giá trị; nhiều HTX còn thiếu vốn, cơ sở vật chất, kỹ thuật còn khó khăn;quy mô sản xuất, kinh doanh còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của thành viên... Vì vậy, cùng với việc tăng cường hỗ trợ khả năng tiếp cận tín dụng cho các HTX, đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa HTX với các thành phần kinh tế khác, thời gian tới, huyện Lâm Bình chú trọng hỗ trợ các HTX xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tạo mọi thuận lợi để các HTX tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, huyện Lâm Bình sẽ hỗ trợ thúc đẩy việc thành lập mới các HTX, Tổ hợp tác tạo nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực cho việc phát kinh tế-xã hội của địa phương, đồng thời quyết liệt giải thể các HTX hoạt động yếu kém, hoạt động hình thức, ngừng hoạt động nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, Tuyên Quang đã hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với du lịch, trải nghiệm nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hợp tác xã, HTX thực hiện hoạt động theo đúng luật Hợp tác xã năm 2012; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình, tiên tiến, nhất là các lĩnh vực ngành nghề mới, tạo điều kiện để các HTX mở rộng quy mô, phạm vi, địa bàn hoạt động... Liên kết giữa các thành viên HTX, giữa HTX và doanh nghiệp, giữa sản xuất và thị trường là nền tảng căn bản, tạo sức mạnh và động lực phát triển nhanh, bền vững của các hợp tác xã nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay./.

 

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục