Mỹ Bằng tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Đạt nông thôn mới (NTM) nâng cao vào cuối năm 2021, đến nay xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn đang tập trung xây dựng NTM kiểu mẫu về Tổ chức sản xuất, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững theo hướng đô thị, kinh tế - hạ tầng hiện đại, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, lấy người dân làm chủ thể theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ, Nhà nước và cán bộ đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện”.

Chăm sóc, thu hoạch chè, sản phẩm nông nghiệp chủ lực xã Mỹ Bằng

 Xã Mỹ Bằng đã xây dựng kế hoạch đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu về Tiêu chí Tổ chức sản xuất vào cuối năm 2022. Trong đó, xác định tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp nhằm nâng cấp các tiêu chí. Trong đó, việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nhằm nâng cao giá trị cây chè của địa phương được hết sức chú trọng. Hiện nay xã Mỹ Bằng có tổng diện tích hơn 670 ha chè với 7 thôn tham gia trồng, sản xuất chè. Để việc sản xuất chè bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, UBND xã Mỹ Bằng và các đoàn thể đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành của tỉnh, huyện mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè. Nhất là việc áp dụng sản xuất chè sạch, chế biến theo quy mô hộ gia đình gắn với tiêu thụ sản phẩm, hiện nay toàn xã có khoảng 200 ha chè sản xuất theo mô hình VietGAP. Cùng với việc tích cực mở rộng diện tích sản xuất, xã Mỹ Bằng cũng chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chè địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời cũng xác định các hợp tác xã hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị trong chế biến, tiêu thụ chè. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và theo hướng hữu cơ. Nâng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP lên khoảng 300 ha, tăng cường sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, cấp mã vùng trồng…

Mỹ Bằng đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi; Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP có hiệu quả, sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy, tiêu chuẩn OCOP 4 sao của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, đã chính thức lên sàn thương mại điện tử Postmart quốc gia. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh đạt các tiêu chuẩn để giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy được canh tác, sử dụng hoàn toàn bằng công nghệ sinh học ANISAF SH-01, được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và ITC hỗ trợ giải pháp công nghệ sạch trong sản xuất; Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Mỹ Bằng với hai sản phẩm chủ lực, có thương hiệu mạnh trên thị trường, là chè Bát Tiên và gà ri lai chất lượng cao. Sản phẩm chè Bát Tiên của Hợp tác xã nông lâm nghiệp xã Mỹ Bằng không chỉ được người tiêu dùng đánh giá cao mà còn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu “Chè Bát Tiên Mỹ Bằng” và đã vươn tới thị trường Nhật Bản với những hợp đồng đặt hàng lên đến hàng tỷ đồng… Khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương Mỹ Bằng đã xây dựng thành công nhãn hiệu sản phẩm, gà chất lượng cao của xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu sản phẩm, trở thành sản phẩm nông sản thứ 4 ở Mỹ Bằng được công nhận thương hiệu. Việc công nhận này đã mở ra một hướng mới trong việc sản xuất chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân trên địa bàn xã.

Trang trại bò sữa của Công ty cổ phần Hồ Toản được xây dựng tại thôn 14, xã Mỹ Bằng với số lượng đàn nuôi gần 2.000 con, trong đó có gần 500 con cho vắt sữa với sản lượng sữa đạt trên 13,5 tấn/ngày. Mô hình được xây dựng theo quy mô chăn nuôi tập trung với hệ thống chuồng trại, kho trữ thức ăn đảm bảo, áp dụng quy trình kỹ thuật công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm trong chăn nuôi. Mỗi con bò đều được gắn chíp điện tử để quản lý, kiểm soát khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng cũng như dịch bệnh, năng suất sữa. Trang trại phấn đấu đến năm 2023 phát triển đàn bò lên 2.700 con để có đàn giống siêu cao sản cho năng suất sữa cao, đáp ứng yêu cầu của công ty. Được đánh giá là đơn vị mở đầu cho làn sóng ứng dụng công nghệ hiện đại vào chăn nuôi bò sữa không chỉ tại Tuyên Quang mà trên cả nước. Toàn bộ hệ thống quản lý, vận hành các hoạt động bên trong trang trại từ chế biến thức ăn, theo dõi sức khỏe cho đàn bò, làm mát, xử lý chất thải, vắt sữa, bảo quản sữa tươi... đã được tự động hóa. Nhờ ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào chăn nuôi, đặc biệt là hệ thống CSR (phần mềm quản lý đàn bò) công nhân lao động có thể theo dõi sát sao sức khỏe của từng con bò và xử lý các công việc tại trang trại dù có đang ở nơi đâu, với sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị chăm sóc đàn bò 2.000 chỉ cần 80 công nhân lao động.

Nhờ có hướng đi đúng, gắn xây dựng nhãn hiệu hàng hóa với nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhóm tiêu chí về mức sống, thu nhập của xã Mỹ Bằng đã được nâng lên mốc cao hơn. Xã có trên 90% nhà ở kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; Thu nhập bình quân năm 2021 của người dân đạt 46,5 triệu đồng/người/năm, phấn đấu hết năm 2022 đạt 51,7 triệu đồng/người/năm.

Không chỉ tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Mỹ Bằng còn tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát triển các lĩnh vực về văn hóa xã hội. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt xã còn hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Ðối với tiêu chí môi trường, Mỹ Bằng chú trọng xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn; mô hình thu gom rác sinh hoạt trên các tuyến lộ giao thông nông thôn trên địa bàn. Ðến nay, tỷ lệ thu gom và xử lý lượng rác thải sinh hoạt phát sinh của xã đạt 95%. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn không ngừng phát triển; chợ Mỹ Bằng đã được xây dựng đạt chuẩn theo hướng văn minh đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân trên địa bàn.

Ông  Hoàng Đức Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Bằng cho biết: Thực hiện Chương trình Xây dựng NTM kiểu mẫu xã đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công cụ thể các thành viên, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội phụ trách từng tiêu chí, từng thôn, trong đó tập trung vào tiêu chí: tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, chú trọng tiêu chí môi trường, y tế. Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong công cuộc xây dựng NTM kiểu mẫu; bám sát sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện để tổ chức triển khai thực hiện. Tổ chức phổ biến, quán triệt việc thực hiện các tiêu chí NTM kiểu mẫu để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu và chủ động hơn khi tham gia vào chương trình. 

Tuy còn nhiều khó khăn phía trước, song với quyết tâm về đích đúng thời hạn, cán bộ và Nhân dân xã Mỹ Bằng đang dồn sức để hoàn thiện các phần việc còn lại như: Xây mới trường mầm non Mỹ Bằng, Trường mầm non Đình Bằng, Trường tiểu học Y Bằng, Trường tiểu học Mỹ Lâm, Trường THCS Mỹ Bằng; với tổng kinh phí khoảng 35.200 triệu đồng. Ngoài ra còn thực hiện lắp biển chỉ dẫn tại các tuyến đường trục thôn; Hỗ trợ dụng cụ thể thao ngoài trời tại các nhà văn hóa thôn; Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; Xây dựng mô hình thôn thông minh, triển khai lắp đặt  mô hình camera an ninh về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, cháy, nổ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động thường xuyên, có hiệu quả.

Với quyết tâm, hành động cụ thể và hướng đi đúng đắn, cùng tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng của nhân dân và cán bộ nơi đây, tin rằng Mỹ Bằng sẽ về đích NTM kiểu mẫu trong năm 2022 đúng lộ trình đề ra./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục