Hiệu quả từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp

Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Xuân Quang đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đưa những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất chăn nuôi. Một trong những mô hình tiêu biểu đó là mô hình nuôi chim bồ câu Pháp theo hướng sản xuất hàng hóa của gia đình anh Nông Văn Tú, thôn Làng Bình, xã Xuân Quang.

Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình anh Nông Văn Tú, thôn Làng Bình, xã Xuân Quang

Gia đình anh Nông Văn Tú là một trong những hộ gia đình đầu tiên trong xã Xuân Quang tiên phong trong việc áp dụng chăn nuôi bồ câu Pháp theo hướng sản xuất hàng hóa. Anh Tú cho biết: Cuối năm 2017, trong một lần tình cờ xem trên chương trình truyền hình Tuyên Quang, thấy có phóng sự nói về mô hình chăn nuôi bồ câu Pháp theo hướng an toàn sinh học của hộ gia đình anh Nguyễn Gia Nguyện ở thôn An Quỳnh, xã Phúc Thịnh. Thấy mô hình nuôi chim rất hiệu quả, lại phù hợp với điều kiện của gia đình, anh Tú đã vào mạng internet tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi và quyết định tìm đến gia đình anh Nguyện để tham quan thực tế. Nhận thấy đây là mô hình mới có nhiều triển vọng, anh đã về bàn bạc với gia đình, quyết tâm đầu tư đưa mô hình vào sản xuất. Bước đầu, để đảm bảo cho việc chăn nuôi hiệu quả, anh đã đầu tư làm chuồng trại theo hướng dẫn và mua 80 đôi giống chim Bồ câu về nuôi. Với bản tính cần cù, chịu khó, chăm chút cho mô hình nên đàn chim của gia đình đã phát triển rất tốt, tỷ lệ tăng đàn đều và cao theo từng tháng, từng năm. Anh Tú còn chủ động ghi chép cẩn thận, đánh số thứ tự, lập sổ theo dõi ngay từ lúc còn nhỏ đến lúc chim trưởng thành. Nhờ nắm rõ đặc trưng từng cặp bồ câu nên anh Tú đã khai thác tối đa năng suất sinh sản của từng cặp bồ câu giống, chọn lọc được những cặp giống đúng tiêu chuẩn để cải tạo và mở rộng đàn. Công tác phòng trừ dịch bệnh theo mùa cho đàn chim bồ câu Pháp cũng được anh đặt lên hàng đầu. Mỗi năm đàn chim giống được tiêm phòng đầy đủ; chuồng nuôi thường xuyên được dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc sát trùng. Đến nay, mô hình của anh đang duy trì đều hơn 400 đôi chim bồ câu. Mỗi tháng anh xuất bán bình quân hơn 70 đôi chim thương phẩm, thu về hơn 8 triệu đồng mỗi tháng. Từ việc có thị trường tiêu thụ ổn định, mô hình nuôi chim bồ câu theo hướng an toàn sinh học quy mô lớn đã giúp gia đình anh Tú có nguồn thu nhập khá.


Nhân dân trong xã đến tham quan, học tập mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình anh
 Nông Văn Tú

Từ mô hình của anh Nông Văn Tú, hiện nay trên địa bàn xã Xuân Quang đã có thêm một số hộ gia đình đang triển khai mô hình nuôi chim bồ câu Pháp. Với số lượng từ 20 đến 50 đôi chim/mô hình thí điểm. Các mô hình hiện nay cũng đang từng bước phát triển, mở rộng sản xuất theo hướng quy mô lớn. Theo đánh giá chung, việc nuôi và chăm sóc chim bồ câu Pháp rất đơn giản mà mang lại hiệu quả kinh tế cao. So với nhu cầu của thị trường thì nguồn cung chim Bồ câu thương phẩm mới chỉ đáp ứng được ít nhu cầu của khách hàng. Đây cũng là điều kiện người dân ở xã Xuân Quang trong thời gian tới tiếp tục mở rộng, phát triển mô hình này để nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình. Qua đó đem lại thu nhập lớn cho người nông dân, tạo đà cho kinh tế ở địa phương phát triển, góp sức cùng địa phương xây dựng, hoàn thành và duy trì tốt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Văn Linh/Chiemhoa.gov.vn

Tin cùng chuyên mục