Tuyên Quang đẩy mạnh quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả tích cực, diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, diện tích rừng sản xuất được trồng mới và khai thác hợp lý, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng cao giá trị sản xuất.

Rừng keo nguyên liệu ở thôn Cây Thông, xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên

Tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là 448.579,61 ha, chiếm 76,4% diện tích tự nhiên. Trong đó diện tích đất có rừng là 422.472 ha (gồm rừng đặc dụng 46.934,41 ha, chiếm 10,5%; rừng phòng hộ 121.627,06 ha, chiếm 27,1%; rừng sản xuất 280.018,14 ha, chiếm 62,4%). Giai đoạn 2015 - 2018 bình quân mỗi năm cho khai khai thác trên 800.000 m3 gỗ.

Để phát huy lợi thế và nâng cao giá trị sản xuất từ cây lâm nghiệp, những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành chính sách thu hút các nhà đầu tư và tạo điều kiện để các nhà đầu tư xây dựng các dự án, nhà máy chế biến gỗ với quy mô lớn như: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa với công suất tiêu thụ 500.000 m3 gỗ nguyên liệu giấy và 195.000 tấn nguyên liệu sợi dài/năm, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang với công suất các loại sản phẩm 170.000 m3 sản phẩm/năm (nhu cầu nguyên liệu khoảng trên 210.000 tấn nguyên liệu gỗ xẻ) và trên 230 nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản khác đang hoạt động như Nhà máy đũa Phúc Lâm công suất 250 triệu sản phẩm/năm (nhu cầu về nguyên liệu 10.000 m3 gỗ Bồ đề), Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy Na Hang công suất 7.500 tấn sản phẩm (nhu cầu nguyên liệu 25-30.000 tấn/năm)...

Để phù hợp với xu thế chung các sản phẩm gỗ xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Châu Âu bắt buộc phải chứng minh được xuất xứ nguồn gốc gỗ hợp pháp, đồng thời đây cũng là giải pháp nâng cao giá trị rừng trồng, tăng thu nhập cho người trồng rừng, vì vậy cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là rất cần thiết. Nhận thấy tầm quan trọng và sự cần thiết phải quản lý rừng bền vững, gắn các nhà máy với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, tỉnh đã chủ trương thí điểm công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng tại các Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời mời gọi các nhà đầu tư có đủ kiều kiện để tham gia nghiên cứu khảo sát để tổ chức thực hiện.

Đến nay tỉnh Tuyên Quang đã có 25.366 ha rừng được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn FSC, chiếm 18,7% diện tích rừng trồng sản xuất, trong đó các Công ty Lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý 11.584 ha; các Công ty Lâm nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam là 3.650 ha; các nhóm hộ gia đình 2.592 ha; các hợp tác xã, công ty cổ phần 4.886 ha. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến tháng 7/2019, tỉnh Tuyên Quang đứng đầu so với các tỉnh trên địa bàn toàn quốc về diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ. Riêng 06 tháng đầu năm 2019 diện tích được cấp chứng chỉ của tỉnh chiếm 16,4% diện tích cấp chứng chỉ cả nước.

Người dân thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa chăm sóc rừng trồng

Trong bối cảnh các Công ty Lâm nghiệp, các hộ gia đình thiếu vốn sản xuất, không được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để trồng rừng, thì việc liên kết, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu là cách làm đem lại hiệu quả. Ngoài việc huy động đầu tư chi phí cấp chứng chỉ rừng từ các doanh nghiệp, Tuyên Quang đã sớm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp. Kết quả: Năm 2018 hỗ trợ 1.396 triệu đồng cấp chứng chỉ rừng cho 4.655 ha, năm 2019 dự kiến hỗ trợ 7.106 triệu đồng cấp chứng chỉ rừng cho 23.690 ha từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế Trung ương giao cho tỉnh hàng năm.

Quản lý rừng bền vững đã mang lại cho Tuyên Quang giá trị về môi trường to lớn, ở những nơi đang thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, người dân không còn lo lắng vì ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, không còn xói mòn đất, không xảy ra cháy rừng vì đốt thực bì trên rừng như trước. Nhận thức của người trồng rừng thay đổi, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng được nâng lên rõ rệt, thay đổi phương thức quản lý, tập quán canh tác; tiếp cận phương thức quản lý, sản xuất tiên tiến của các chủ rừng, đặc biệt là nhận diện được ảnh hưởng trực tiếp của phương thức sản xuất mới đến môi trường, xã hội và kinh tế.

Bên cạnh ý nghĩa về môi trường, xã hội, với giá trị gia tăng thêm bình quân 20%, mỗi ha rừng khi khai thác thêm thu nhập khoảng 15 triệu đồng là khoản thu nhập không nhỏ đối với người trồng rừng, nhất là đối với các Công ty Lâm nghiệp thuộc tỉnh, hàng năm giá trị tăng thêm từ bán gỗ có chứng chỉ đã giảm bớt khó khăn về vốn đầu tư, chi phí cho các hoạt động của doanh nghiệp./.

Nguyễn Thị Thu Hương/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục