Thành phố Tuyên Quang phấn đấu các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024

Ngày 30 tháng 11 năm 2021, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND về thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao thành phố Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025 (viết tắt là Kế hoạch số 156/KH-UBND).

Lễ công bố Quyết định công nhận thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 được tổ chức vào ngày 03/11/2021

Theo Kế hoạch số 156/KH-UBND, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2024: Hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao đối với 5/5 xã: Năm 2021: Xã Tràng Đà, xã Kim Phú; năm 2022: Xã Lưỡng Vượng; năm 2023: Xã Thái Long; năm 2024: Xã An Khang.

Đồng thời xác định mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: Duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí về cơ sở hạ tầng như: Giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, nhà ở dân cư, trạm y tế… bảo đảm đạt chuẩn theo quy định. Tập trung phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện có hiệu quả các giải pháp chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững. Áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, trọng tâm: hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ mô hình sản xuất hàng hóa; hỗ trợ đào tạo, tập huấn; ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã, thực hiện tốt các khâu dịch vụ, đa dạng các hình thức tổ chức dịch vụ, sản xuất, kinh doanh: điều hành sản xuất, quản lý, vận hành các công trình thuỷ lợi và cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất; dịch vụ cung ứng giống vật tư, tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với các cơ quan chức năng, liên kết với các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch sản xuất, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Khuyến khích thành lập, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, tham gia các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn với phát huy vai trò làm chủ, lợi ích của các thành viên trong hợp tác xã, tổ hợp tác. Mỗi xã có ít nhất 01 hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất hiệu quả. Có ít nhất 01 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao và 05 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên (100% xã đã thực hiện chương trình này). Cấp ủy, chính quyền các xã tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới đảm bảo yêu cầu của các tiêu chí theo quy định.

Về lao động - việc làm: Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với tạo việc làm sau đào tạo; thường xuyên cập nhật, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân. Quan tâm đào tạo nghề cho bộ phận nông dân trên địa bàn thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội để chuyển đổi nghề nghiệp.

 Về giáo dục - y tế - văn hóa: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; hoàn thành xây dựng 100% trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở công lập đạt chuẩn quốc gia. Cải tạo, nâng cấp trạm Y tế xã, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. Xây dựng, phát triển Lễ hội Thành Tuyên thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu cấp quốc gia; thu hút đầu tư xây dựng khu dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng soi Tình Húc; xây dựng làng văn hoá của người dân tộc Cao Lan gắn với việc tu bổ, tôn tạo khu di tích Giếng Tanh, xã Kim Phú. Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; củng cố, phát triển các thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhân rộng phong trào hoạt động của các câu lạc bộ, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong tiệc cưới, việc tang, lễ hội.

Về cảnh quan - môi trường: Tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên chỉnh trang khuôn viên nhà ở, xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch của hộ gia đình; chăm sóc, quản lý, nhân rộng các tuyến đường hoa trên địa bàn các xã. Nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung lên trên 98%. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt được thu gom chung với rác thải sinh hoạt tại các thôn, xóm đưa về trạm trung chuyển tại các vị trí trên địa bàn các xã, sau đó được đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển đến bãi chôn lấp rác thải để xử lý theo quy định. Đối với chất thải nguy hại: Tại khu vực hoạt động sản xuất nông nghiệp đã được lắp đặt bể chứa thu gom vỏ bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, định kỳ hàng tháng được thu gom đến nơi tập kết để thuận tiện cho đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định. Đối với chất thải rắn y tế: Trạm y tế trên địa bàn các xã tiếp tục thực hiện ký hợp đồng thu gom, vận chuyển chất thải y tế với Trung tâm y tế thành phố xử lý theo quy định.

Về an ninh trật tự: Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ về công tác quốc phòng - an ninh và khu vực phòng thủ; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; chủ động giải quyết kịp thời, hiệu quả các tình huống đột xuất, bất ngờ liên quan đến an ninh trật tự, nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ về trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện tốt mô hình quần chúng tự quản ở cơ sở về an ninh trật tự.

Về hành chính công: Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường thực hiện các nội dung về dân chủ ở cơ sở để người dân tham gia các hoạt động giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Lễ hội Thành Tuyên – một sản phẩm du lịch đặc sắc của thành phố Tuyên Quang

Theo nội dung Kế hoạch số 156/KH-UBND, thành phố Tuyên Quang tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục, lâu dài theo hướng bền vững với sự tham gia của người nông dân là chủ yếu; lồng ghép có hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn; nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng nông thôn mới bằng xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, thôn nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới. Tăng cường quản lý, xây dựng và bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản hàng hóa. Triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; hướng mạnh việc sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, bảo đảm quy mô, tính chuyên nghiệp để khẳng định thương hiệu OCOP của thành phố Tuyên Quang.

Kế hoạch số 156/KH-UBND đặt ra 05 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: (1) Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng; (2) Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; (3) Đa dạng các nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới; (4) Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện Chương trình; (5) Huy động nhân dân tập trung phát triển kinh tế; tham gia thực hiện các chính khuyến khích phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” gắn với xây dựng “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu” và “Vườn mẫu nông thôn mới”; chủ động thực hiện chỉnh trang khuôn viên nhà ở, xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch của hộ gia đình, tự nâng cấp cải tạo hệ thống điện gia đình đạt chuẩn; vệ sinh đường làng ngõ xóm, bảo vệ cảnh quan môi trường khu vực nông thôn.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Kế hoạch dự kiến tổng nguồn lực cần huy động khoảng 345,9 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước chiếm khoảng 40,4% tổng nguồn lực; vốn tín dụng chiếm khoảng 52,9%; huy động từ khối doanh nghiệp chiếm khoảng 2,6% và sự chủ động tham gia đóng góp của nhân dân chiếm khoảng 4,1%.

Cũng theo nội dung kế hoạch, Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ cụ thể về tổ chức thực hiện cho các phòng, ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã trong việc chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể đến cơ sở để tổ chức thực hiện chương trình trên địa bàn. Đồng thời giao Phòng Kinh tế thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn.

Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang ban hành là cơ sở để các phòng, cơ quan, đơn vị chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021-2025 và hàng năm. Với mục đích phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động tham gia trực tiếp của người dân, khắc phục khó khăn để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì của các phòng, ban, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và các xã trong việc xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, đảm bảo hiệu quả, toàn diện, bền vững.

Với việc xác định cụ thể nội dung, khối lượng, kinh phí thực hiện theo nội dung Kế hoạch đã ban hành, cùng những nhiệm vụ, giải pháp gắn với việc phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết đến từng phòng, ban chuyên môn của thành phố, đến UBND các xã và đến cơ sở thôn để tổ chức thực hiện Chương trình một cách đồng bộ, toàn diện sẽ là một giải pháp quan trọng, quyết định, đảm bảo thực hiện hoàn thành mục tiêu đến năm 2024 thành phố Tuyên Quang có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và từng bước tiến tới đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu./.

Trần Gia Lam/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục