Huy động nguồn lực, sức dân trong xây dựng nông thôn mới

Xác định chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là bước đệm quan trọng để phát triển kinh tế xã hội tổng thể, toàn diện và lâu dài, nên ngoài sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền thì sự ủng hộ của Nhân dân vẫn được xem là yếu tố then chốt. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, các địa phương của tỉnh Tuyên Quang đã huy động nhiều nguồn lực trong nhân dân, doanh nghiệp như: Hiến đất mở đường, đóng góp công sức, kinh phí xây dựng công trình phúc lợi xã hội... Từ đó phát huy được nội lực để xây dựng thành công nhiều xã nông thôn mới.

Người dân xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn xây dựng, chỉnh trang tuyến đường mẫu

Thông qua phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, đa dạng đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia với việc làm cụ thể như hiến đất, giải phóng mặt bằng, góp công sức, kinh phí cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng thôn, xóm sạch, đẹp, văn minh, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, và giảm nghèo bền vững... Năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Tuyên Quang đã huy động tốt các nguồn lực để thực hiện, trong đó mức độ tham gia của người dân đạt cao hơn các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Theo đó, đã huy động được khoảng 3.215.157 triệu đồng đầu tư cho chương trình, trong đó vốn huy động từ cộng đồng dân cư trên 305.923,4 triệu đồng chiếm 9,52%, vốn huy động từ doanh nghiệp: 117.985,0 triệu đồng chiếm 3,67%. Năm 2023, dự kiến tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM là khoảng 3.537.047 triệu đồng, vốn nhân dân đóng góp: 174.575 triệu đồng chiếm khoảng 4,95%, vốn huy động từ doanh nghiệp: 99.014,0 triệu đồng chiếm 2,8%.

Chi đoàn Sở Lao động - TB và XH tỉnh Tuyên Quang cùng xã Hà Lang huyện Chiêm Hoá xây dựng tuyến đường hoa

Từ nguồn vốn xã hội hóa và hỗ trợ của ngân sách của trung ương, ngân sách của tỉnh và các địa phương, toàn tỉnh đã tập trung sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới nhiều hạng mục công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Điển hình như tiêu chí giao thông, các tuyến đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ. Năm 2022 đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 321,7 km đường giao thông nông thôn: Đường xã 42,5 km; đường thôn 149,1 km; đường ngõ xóm: 20,04 km; đường nội đồng: 110,05 km. Đã hoàn thành 38 cầu trên đường giao thông nông thôn thuộc kế hoạch năm 2021; năm 2022 triển khai xây dựng 39 cầu. Cùng với chú trọng thực hiện tiêu chí giao thông thì các tiêu chí thủy lợi, cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn… cũng được tập trung nguồn lực đầu tư và đều đạt chuẩn theo quy định. Điện nông thôn: xây dựng, nâng cấp 21 công trình điện hạ tầng lưới điện, hết năm 2022 có 118/124  xã đạt tiêu chí về điện; xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa 44 công trình trường học các cấp, trong đó: Trường Mầm non 12 công trình; Trường Tiểu học 16 công trình; Trường THCS 16 công trình; 100% các xã có nhà văn hóa, khu trung tâm văn hóa, thể thao xã đạt chuẩn; đầu tư xây mới và cải tạo, nâng cấp 66 chợ nông thôn; 100% số xã có đài truyền thanh cấp xã, sóng thông tin di động đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Một trong những yếu tố quan trọng để đạt được kết quả trên là sự tích cực vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác huy động nguồn lực sức dân và lồng ghép nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng NTM cũng được các tổ chức chính trị xã xã hội chú trọng triển khai thực hiện. Năm 2022, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia trên 149 nghìn ngày công lao động, đóng góp trên 63,9 tỷ đồng, hiến trên 127.000 m2 đất để xây dựng các công trình, tham gia xây dựng 226,62 km đường giao thông nông thôn; trồng 35,2 km đường hoa, cây xanh, cây cảnh tại các tuyến đường giao thông nông thôn, đóng góp xây dựng 1.444 cột điện “Thắp sáng đường quê” với số tiền 1,01 tỷ đồng. Tập trung tổ chức triển khai Đề án xoá nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2022 toàn tỉnh đã thực hiện làm mới và sửa chữa nhà cho 2.464 hộ (làm mới 2.242, sửa chữa 222 hộ), với tổng kinh phí 250.356 triệu đồng; ngoài ra còn vận động nhân dân đóng góp mua 422 thùng rác đặt tại khu dân cư, thu gom xử lý trên 495,5 tấn rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xây mới 1.518 bể xử lý rác thải hộ gia đình, thành lập mới 429 mô hình tự quản về thu gom, xử lý rác thải. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng 2.109 mô hình tự quản về thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa; Hội nông dân tỉnh Tuyên Quang cũng đã vận động hội viên, nông dân ủng hộ trên 2,5 tỷ đồng, đóng góp trên 31.000 công lao động sửa chữa, nạo vét 1.261 km kênh mương, sửa chữa 378 km đường giao thông; bê tông hoá 5,6 km đường giao thông, kiên cố hóa 70 km kênh mương; hiến 17.370 m2 đất làm đường nông thôn và xây dựng 5 nhà văn hóa, với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ dân tự làm” trong năm các cấp hội đã vận động hội viên nông dân tại cơ sở hỗ trợ 6.068 ngày công lao động, đóng góp, ủng hộ vật liệu quy ra tiền là 432,3 triệu đồng và 77,1 triệu đồng tiền mặt để giúp đỡ làm mới được 268 nhà và sửa chữa 78 nhà cho các hộ gia đình hội viên nông dân nghèo; Hội Cựu chiến binh tỉnh Tuyên Quang cũng không đứng ngoài cuộc đã tích cực hưởng ứng tham gia phát triển kinh tế tại địa phương, phối hợp tu sửa 59,1 km đường bê tông nông thôn, nạo vét 89,4 km kênh mương, rãnh thoát nước; sửa chữa 3 cầu trên đường giao thông nông thôn, vận động Nhân dân hiến 3.871 m2 đất mở rộng đường giao thông và xây dựng các công trình phúc lợi, tham gia 12.774 ngày công lao động, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, cải tạo, xây dựng công trình vệ sinh, thu gom và xử lý rác thải, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp…

Xác định xây dựng NTM không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là nhiệm vụ lâu dài và xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Với quan điểm không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM nhất là tiêu chí về Tổ chức sản xuất, Văn hóa, Y tế, Giáo dục, Môi trường… năm 2023 Tuyên Quang phấn đấu có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 09 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là nội lực, là sự huy động công sức, tiền từ Nhân dân đóng góp. Đây là bài học kinh nghiệm để các huyện, thành phố vận dụng vào thực tiễn, để về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đúng kế hoạch đề ra, góp phần xây dựng Tuyên Quang ngày càng phát triển, có thêm nhiều vùng quê đáng sống./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục