Yên Bái: Nâng tầm sản phẩm OCOP

Thời gian qua, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Yên Bái đã đạt kết quả tích cực, đến nay nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường. Địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, nâng tầm và đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu trong năm 2021.
 Người dân Yên Bái thăm quan, mua sắm tại điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP

Kết thúc năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Thái Sơn (huyện Lục Yên) đón nhận niềm vui kép, khi các sản phẩm lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn, dầu lạc đỏ Thái Sơn, dầu lạc trắng đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao và nhận được sự quan tâm từ người tiêu dùng trên cả nước.

Tự hào là thương hiệu đạt chuẩn OCOP, một sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng đủ tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, ông Đàm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thái Sơn cho biết, sau khi sản phẩm được “gắn sao” đến nay đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưu tiên sử dụng. “Sản phẩm mới khi đưa ra thị trường, cơ quan chức năng hỗ trợ HTX giới thiệu tại các hội nghị, hội chợ… Qua đó, đã có nhiều cửa hàng bán lẻ và cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị đã đến đặt vấn đề ký hợp đồng tiêu thụ”, ông Việt chia sẻ.

Không chỉ vậy, HTX Thái Sơn là chủ thể của 5 sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Hằng năm, doanh thu của HTX đạt trên 4 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 30 lao động địa phương, với thu nhập ổn định từ 5 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của HTX đã có mặt trên thị trường và các cửa hàng, siêu thị trong, ngoài tỉnh, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.

Chị Đinh Thị Niêm, huyện Lục Yên chia sẻ: “Tôi rất thận trọng trong việc lựa chọn thực phẩm cho gia đình. Với các mặt hàng như lạc và dầu lạc, tôi thường sử dụng sản phẩm của HTX Thái Sơn. Dù tên tuổi còn khá mới mẻ, nhưng việc sản phẩm của HTX được chứng nhận sản phẩm OCOP giúp tôi cũng như nhiều khách hàng khác yên tâm sử dụng”.

Cùng các sản phẩm của HTX Thái Sơn, hiện toàn tỉnh Yên Bái có 80 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 2 sao trở lên, trong đó cón 18 sản phẩm đạt 3 sao. Điều này khẳng định, các sản phẩm được công nhận OCOP đã góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, đây là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm và hướng tới xuất khẩu.

Ông Nhâm Xuân Trường, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái nhận định, Chương trình OCOP đã tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong địa bàn tỉnh. Chương trình này đã phát huy tính sáng tạo của nông dân, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, đồng thời thúc đẩy quá trình thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, để các sản phẩm phát triển mạnh hơn và đi đến tận tay người tiêu dùng kể cả trong và ngoài nước, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả đối với các sản phẩm OCOP sau khi được “gắn sao”, địa phương sẽ hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm theo các tiêu chí tiêu chuẩn không chỉ của Việt Nam, mà còn của khu vực và thế giới.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu. Đưa Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; phát triển, nâng cấp 30 sản phẩm, trong đó đầu tư nâng cấp 20 sản phẩm thế mạnh, phát triển 10 sản phẩm mới.

Chương trình OCOP đã tạo sức bật cho cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong địa bàn tỉnh. Chương trình này đã phát huy tính sáng tạo của nông dân, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, đồng thời thúc đẩy quá trình thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.”

Ông Nhâm Xuân Trường, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái

Bài, ảnh: Hoàng Quý/baodantoc.vn

Tin cùng chuyên mục