Vốn tín dụng chính sách: 'Điểm tựa' của người nghèo

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình đã trở thành “điểm tựa” tài chính vững chắc cho người dân trong tỉnh.

Tín dụng chính sách cũng là “đòn bẩy” để các đối tượng thụ hưởng vươn lên, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, ông Phạm Văn Thủy, xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình (trái) đã mở rộng xưởng may, góp phần giúp gia đình vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

"Đòn bẩy" tín dụng chính sách

Là hộ cận nghèo cuộc sống nhiều khó khăn, với 100 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội giúp gia đình ông Phạm Văn Thủy, ở xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh có điều kiện mở xưởng may gia công tại địa phương. Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá.

Ngoài ra, xưởng may của gia đình ông còn tạo việc làm cho 30 lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu hằng năm của gia đình đạt khoảng 1 tỷ đồng. Ông Thủy cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để hộ nghèo có cơ hội thoát nghèo là nhờ tiếp cận được nguồn chính sách. Nguồn vốn này giúp các hộ nghèo không bị vướng vào “tín dụng đen”, tránh nguy cơ nghèo càng thêm nghèo.

Đầu năm 2023, gia đình bà Phạm Thị Bốn, xã Khánh Thành được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Khánh tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi để đầu tư chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả.

Kinh nghiệm sẵn có trong chăn nuôi, trồng trọt đã giúp mô hình của gia đình bà luôn duy trì khoảng 50 con lợn sinh sản, thương phẩm cùng 100 gốc ổi và nhiều diện tích cây màu khác cho doanh thu khoảng 500 triệu đồng/năm. Nhờ mở rộng mô hình nên không chỉ vợ chồng bà Bốn mà các con cũng có việc làm với mức thu nhập ổn định.

"Nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ đắc lực cho các hộ dân đang khao khát phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu nhưng lại thiếu vốn", bà Bốn nói.

Chủ tịch UBND xã Khánh Thành Hoàng Minh Thịnh đánh giá, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thuận lợi. Nguồn vốn lớn, cùng hệ thống 2.220 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn bản và mạng lưới Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội phủ khắp địa bàn từ tỉnh xuống xã, phường, thị trấn... tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận đầy đủ, dễ dàng nguồn vốn ưu đãi. Không chỉ phát huy về kinh tế, nguồn vốn góp phần ổn định xã hội, tạo sự đoàn kết, giúp đỡ nhau của các hộ dân phấn đấu vượt khó, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đồng hành hỗ trợ phát triển

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện tại các vùng nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh trật tự tại địa phương, đặc biệt giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến cuối năm 2023 xuống còn 1,86%.

Toàn tỉnh hiện có 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Sau 22 năm hoạt động, tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tạo điều kiện cho gần 600 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, kịp thời, với số tiền cho vay trên 12 nghìn tỷ đồng.

Đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, từ khi Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình nhận bàn giao đến nay thu hút, tạo việc làm cho gần 150 nghìn lao động, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành, nghề. Đồng thời giúp trên 92 nghìn hộ thoát nghèo; hơn 152 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo gần 350 nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường; hỗ trợ xây dựng gần 2,5 nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách…

Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, bà Phạm Thị Bốn (phải), xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình mở rộng chăn nuôi, trồng trọt, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Đặc biệt, sau gần 10 năm đưa Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả tích cực. Toàn bộ nguồn vốn chính sách huy động, tạo lập được, cùng dòng vốn ngân sách của địa phương bổ sung, ủy thác đã được cán bộ tín dụng chính sách bền bỉ chuyển tải kịp thời về khắp địa bàn.

Ông Phạm Đức Cường, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình cho biết, xác định nguồn vốn tín dụng chính sách là “điểm tựa” giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn vươn lên ổn định cuộc sống, những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh luôn chú trọng, tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến người dân một cách nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn, trong đó tập trung ưu tiên khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao... Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương.

Phát huy thành quả đạt được, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập trung huy động nguồn lực tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; thực hiện hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Đồng thời phối hợp lồng ghép hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, giúp sử dụng vốn vay hiệu quả nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương…

 

Thùy Dung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục