Sáng 19/3, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030 các tỉnh ĐBSH và 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, việc xây dựng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030 là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới và thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo tinh thần Nghị quyết số 19 của Trung ương, phát triển nông thôn giai đoạn tới cần phải "bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân", hướng tới xây dựng nông thôn phát triển bền vững và gắn với quá trình đô thị hóa.
Cũng theo ông Sơn, trong bối cảnh sắp xếp lại hệ thống hành chính từ năm 2026 khi không còn cấp huyện đặt ra yêu cầu thay đổi căn bản về cơ chế điều phối và quản lý chương trình.
Vai trò điều phối của cấp tỉnh sẽ được tăng cường, cấp xã cần được trao quyền chủ động hơn để thích ứng hiệu quả.
Đồng thời, việc tích hợp Chương trình nông thôn mới với các chương trình mục tiêu quốc gia khác sẽ giúp tập trung nguồn lực, tránh chồng chéo, nhưng cũng đòi hỏi phương thức triển khai đồng bộ, toàn diện hơn.
Bên cạnh đó, bối cảnh chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử và đô thị hóa đang tác động mạnh mẽ, tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về đổi mới tư duy phát triển, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Đặc biệt, những thách thức từ biến đổi khí hậu đang đặt ra yêu cầu cấp bách về xây dựng các giải pháp thích ứng linh hoạt, tăng khả năng chống chịu cho khu vực nông thôn, nhất là vùng miền núi, ven biển và hải đảo.
Sáng 19/3, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030.
Do vậy, xây dựng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030 là yêu cầu cấp thiết, nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, thích ứng hiệu quả với bối cảnh mới, tạo nền tảng vững chắc để nông thôn phát triển bền vững, thực chất trong giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Sơn, để triển khai thực hiện giai đoạn 2026-2030, Văn phòng đang lấy ý kiến các địa phương với 3 nội dung. Cụ thể:
Thứ nhất, phân chia các vùng: tiếp cận NTM giai đoạn 2026-2030 theo mức độ "thôn/bản-xã-tỉnh" gắn với điều kiện từng vùng (miền núi khó khăn chưa đạt chuẩn, vùng thuận lợi đã đạt chuẩn, vùng ven đô thị đã cơ bản đạt chuẩn nâng cao).
Thứ hai, bộ tiêu chí: có nên tiếp tục duy trì xây dựng NTM đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu hay tiếp cận theo hướng chuẩn từng giai đoạn hay theo hướng nào?
Thứ ba, về nội dung: tiếp tục duy trì 11 nội dung thành phần, tuy nhiên ở từng nội dung thành phần thì nên và cần thiết tập trung vào nội dung gì? (cụ thể ở các địa phương khu vực ĐBSH, 3 tỉnh Bắc Trung Bộ.
Thứ tư, sau kiện toàn, mô hình tổ chức cơ quan giúp việc ở từng địa phương hiện nay được tổ chức thế nào (cấp tỉnh), số lượng hồ sơ?
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình cho rằng nên bỏ các tiêu chí đánh giá NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu đối với các xã trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho biết, trong quá trình thực hiện sáp nhập Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường, nhiều Văn phòng điều phối nông thôn mới cấp tỉnh bị xóa bỏ và cơ cấu tổ chức lại thành cấp phòng trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường, thậm chí có tỉnh chỉ trực thuộc Chi cục Phát triển nông thôn. Điều này ảnh hưởng đến quá trình điều hành, tham mưu.
Đa số các đại biểu của nhất trí, giai đoạn 2026-2030 tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh tới đây tiến hành sáp nhập các xã, tỉnh với nhau và bỏ cấp huyện, vì vậy các tiêu chí đánh giá cũng phải cần nghiên cứu cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Liên quan đến chương trình giảm nghèo bền vững, các đại biểu cho rằng, cần gộp với Chương trình xây dựng nông thôn mới để tăng hiệu quả, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Nêu ý kiến, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình cho hay, sau 15 năm xây dựng NTM, các địa phương đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao rõ rệt. Do đó, cần đánh giá lại toàn bộ kết quả đã đạt được, lấy đó làm cơ sở để xây dựng nội dung Chương trình NTM giai đoạn 2026-2030.
Đối với các tiêu chí đánh giá, bà Lan Anh cho biết, hiện nay tại Ninh Bình, cơ sở hạ tầng, môi trường, văn hóa... giữa đô thị và nông thôn cũng đã được rút ngắn khoảng cách.
Trong khi đó, trong bối cảnh sáp nhập các xã, tỉnh và bỏ cấp huyện thì thời gian tới phải xây dựng các tiêu chí mang tính chất đặc thù. Có những tiêu chí của giai đoạn trước sẽ không còn phù hợp trong giai đoạn tới, vì vậy cần nghiên cứu, đánh giá sao cho phù hợp.
Bà Lan Anh lấy ví dụ, nên xem xét lại tiêu chí về tỷ lệ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện đạt chuẩn NTM, vì hiện tại công tác xã hội hóa trong cấp nước sạch được các đơn vị triển khai mạnh mẽ và cấp nước theo vùng. Nên chăng, giai đoạn tới, bỏ tiêu chí này.
Liên quan đến việc có nên tiếp tục duy trì xây dựng NTM đạt chuẩn, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu hay không? bà Lan Anh cho rằng, nên bỏ NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu ở cấp xã.
Theo bà, chỉ nên duy trì các tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn và có thể chia ra theo các cấp độ 1 và 2 để đánh giá. Sau 5 năm có thể đánh giá lại và công nhận kết quả xây dựng NTM của xã đó. Điều này, tương tự với đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP, sau 5 năm sẽ đánh giá, công nhận lại, nếu không đạt sẽ không được công nhận nữa.
"Sau khi đạt nông thôn mới kiểu mẫu rồi, chúng tôi không biết phải đăng ký nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng nào nữa", bà Lan Anh nói.
Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội nên sáp nhập lĩnh vực giảm nghèo bền vững vào Chương trình xây dựng NTM.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho rằng, nên bỏ các tiêu chí NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu ở cấp xã. "Chúng ta nên chia mức độ 1 và mức độ 2, sau 5 năm sẽ đánh giá lại", ông nói.
Ông Hoa cũng cho rằng, nên sáp nhập lĩnh vực giảm nghèo bền vững vào Chương trình xây dựng NTM.
Đại diện Chi cục Phát triển nông Vĩnh Phúc cho hay, giai đoạn tới cần phải xây dựng lại bộ tiêu chí cho phù hợp sau khi hoàn thành sáp nhập xong cấp xã, tỉnh. Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vì vậy nên bổ sung tiêu chí về KHCN, chuyển đổi số vào bộ tiêu chí đánh giá xây dựng NTM.
Còn đại diện Chi cục Phát triển nông Hải Phòng đề xuất khi sáp nhập xã tiến hành cơ cấu, bố trí 1 chức danh công chức xã quản lý nhà nước về NTM.
"Tới đây, cấp huyện sẽ bỏ, cấp xã sẽ được mở rộng hơn rất nhiều, vì vậy để đảm bảo lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt cần phải có cán bộ chuyên trách".