Hướng tới nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo vùng nông thôn tỉnh Hưng Yên đã có thay đổi rõ rệt ở nhiều lĩnh vực. Xác định đây là nhiệm vụ không có điểm kết thúc, giai đoạn tới, tỉnh xác định nâng tầm, hướng đến NTM nâng cao, kiểu mẫu. Trong đó, lấy nền tảng chính là sự ủng hộ, đồng thuận từ các tầng lớp nhân dân.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Hưng Yên đã có nhiều đổi thay, giúp bộ mặt nông thôn trong tỉnh ngày càng khang trang. Bằng nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, vốn các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp, đến nay, 100% tuyến đường do cấp huyện quản lý, 88% tuyến đường xã, 87,1% tuyến đường thôn trên địa bàn đã được cứng hóa. Hệ thống thủy lợi nội đồng khá hoàn chỉnh, đáp ứng hiệu quả nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh có hơn 244km kênh mương được kiên cố hóa, bảo đảm tưới chủ động cho 88% diện tích canh tác... Đến nay, đã có 141/145 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 97,24%. Tiêu chí bình quân đạt 18,97 tiêu chí/xã, tăng 4,27 tiêu chí so năm 2015. Tính đến năm 2018, thu nhập bình quân/người khu vực nông thôn đạt 41 triệu đồng/người/năm (tăng 28,4 triệu đồng so với năm 2011). Tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 88,2% (tăng 16,58%). Từ năm 2017, đã có những địa phương được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt NTM (thị xã Mỹ Hào, huyện Văn Giang) và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (thành phố Hưng Yên).


Tiêu chí Môi trường được người dân Hưng Yên chú trọng Ảnh: Thanh Bình

Bí quyết thành công xây dựng NTM của Hưng Yên là dựa vào sức dân. Để tạo sự đồng thuận của người dân, công tác tuyên truyền về xây dựng NTM được đẩy mạnh, triển khai đến từng thôn, xóm, hộ gia đình bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh; triển khai các chuyên đề về phong trào xây dựng NTM trong các cuộc sinh hoạt chi bộ, đảng bộ… Từ đó, đã thu hút được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như: Ủng hộ ngày công lao động, kinh phí, hiến đất…

Đơn cử như xã Tam Đa (huyện Phù Cừ), tiêu chí khó nhất những địa phương khác thường loay hoay thực hiện được là tiêu chí môi trường. Nhưng tại đây, gần 950 hộ gia đình hội viên vẫn đang duy trì tích cực việc phân loại rác thải tại nguồn và hầu hết các hộ đều nhận thấy hiệu quả thiết thực bởi đã giảm 30 - 50% lượng rác thải thu gom mỗi ngày. Bước vào xây dựng NTM, với xuất phát điểm là xã thuần nông (chỉ đạt 3/19 tiêu chí), song nhờ những cách làm hay, đến hết tháng 2.2019, xã Tam Đa đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, thu nhập bình quân được nâng lên 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,87%...

Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Tiu chia sẻ: Để nâng cao thu nhập bình quân người dân, xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Ban chỉ đạo xã bám sát chỉ đạo của tỉnh hướng tới xây dựng các vùng trồng bền vững. Đến nay, đã xây dựng 300ha trồng vải lai chính sớm, cây có múi. Cây vải đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương, mỗi vụ đem lại lãi 100 triệu đồng. Diện tích lúa sau khi chuyển đổi chỉ còn 75ha trọng điểm theo quy hoạch.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Cừ Nguyễn Hồng Chuyên cho biết: Không riêng xã Tam Đa, công cuộc xây dựng NTM đã thúc đẩy phát triển kinh tế toàn huyện. Đến nay, tổng thu nhập bình quân trên/người đã đạt hơn 42 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 2,83%; 13/13 xã đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM với số tiêu chí đạt được 17/19 tiêu chí...

Phát huy vai trò, trách nhiệm chủ thể của người dân

Dù đạt những kết quả quan trọng, song quá trình xây dựng NTM của Hưng Yên cũng còn không ít tồn tại, hạn chế cần giải quyết. Đơn cử như tại huyện Yên Mỹ, tính đến nay mới đạt 18/19 tiêu chí, còn tiêu chí về cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ chưa bảo đảm yêu cầu về bảo đảm môi trường. Huyện Kim Động vẫn còn 2 tiêu chí chưa đạt gồm: Tiêu chí về y tế - văn hóa - giáo dục (hiện thiếu sân vận động, nhà thi đấu đa năng) và tiêu chí về môi trường (do các đơn vị sản xuất kinh doanh, chế biến vẫn chưa chấp hành đúng yêu cầu về bảo vệ môi trường). Huyện Phù Cừ còn 2 tiêu chí chưa đạt gồm: Tiêu chí quy hoạch xây dựng vùng và tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia còn thấp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng, chất lượng thực hiện các tiêu chí NTM còn hạn chế. Trong đó, nổi lên là các vấn đề: Vi phạm hành lang giao thông, đất nông nghiệp, công trình thủy lợi… vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Ngưồn chất thải từ công nghiệp, đô thị và các nguồn thải nông nghiệp nông thôn, nhất là các làng nghề, sản xuất chăn nuôi, thủy sản chưa được quan tâm xử lý triệt để.

Để khắc phục những điểm chưa đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Công tác tuyên truyền về xây dựng NTM hết sức quan trọng. Thời gian tới, tỉnh xác định: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, các cấp chính quyền địa phương; phát huy vai trò, trách nhiệm chủ thể của người dân trong thực hiện, giám sát và hưởng thụ. Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, quyết định của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, tại các địa phương cần có kế hoạch cụ thể hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chú trọng xây dựng chính sách liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: Thanh Bình/Báo Điện tử Đại biểu nhân dân

Tin cùng chuyên mục