Du lịch canh nông - Tiềm năng lớn chưa được khai thác

Từ những nông dân vốn chỉ quen với việc làm sao để cây trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt, thì nay có nhiều nông dân đã thành "ông chủ" của mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch canh nông. Từ thực tế cho thấy, hướng phát triển du lịch canh nông đang tạo doanh thu "kép" từ khai thác du lịch và bán các sản phẩm do mình làm ra ngay chính trên trang trại của mình cho du khách.

Vườn hồng Nam Anh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đang là điểm tham quan, Check in lý tưởng cho du khách

“Doanh thu kép” từ nông nghiệp

Tháng 11, hồng đã chín vàng trên những quả đồi ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Hàng trăm gốc hồng nhiều năm tuổi lủng lẳng quả vàng trên những cành cây mốc thếch, trơ trọi không một cọng lá. Chẳng ai bảo ai, người người kéo về Nam Anh chụp ảnh, check-in và thưởng thức vị hồng chát ngọt trong se lạnh đầu Đông. Khách tham quan có thể trải nghiệm theo hướng dẫn của nhà vườn, cũng có thể tự tham quan, hái quả, lưu giữ những khoảng khắc hút hồn từ vườn hồng đẹp tựa cổ tích.

Chị Võ Kiều Anh ở TP. Vinh (Nghệ An) hào hứng: "Mỗi lần đến vườn hồng, khung cảnh đẹp như tranh khiến tôi mê đắm, không thể rời đi..."

Theo lãnh đạo xã Nam Anh, tổng diện tích trồng hồng ở xã khoảng 100ha, đang vào độ thu hoạch. Mỗi ngày, ngoài bán trái cây, họ còn thu thêm được một khoản tiền từ cho thuê trang phục, đạo cụ chụp ảnh.

Trong các sản phẩm được khách du lịch yêu thích và nhớ về Nghệ An, thì cam là một trong số đó. Mô hình từ tổ chức JICA Nhật Bản hỗ trợ huyện Con Cuông xây dựng phát triển du lịch cộng đồng, gắn liền với chuỗi sản xuất các sản phẩm từ trái cam tại bản Pha, xã Yên Khê năm 2016, là một minh chứng rõ nét cho việc quy hoạch không gian hình thức du lịch mới này.

Theo dự án, ngoài xây dựng mô hình cam sinh thái, các nhóm hộ người Thái tham gia sẽ được hỗ trợ sản xuất các sản phẩm từ trái cam, như tinh dầu cam, rượu men cam, mứt cam, xà bông cam...

Người trồng cam ở bản Pha hồ hởi: Chúng tôi đã đón tiếp hàng chục đoàn khách trong và ngoài tỉnh tham quan. Chúng tôi không nghĩ rằng, nông dân lại có thể làm du lịch từ chính vườn cây của mình. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, khách du lịch rất hào hứng, thích thú khi vừa tham quan vừa thưởng thức sản phẩm từ mô hình.

Cánh đồng hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn thu hút rất đông du khách đến tham quan, chụp ảnh

Câu chuyện du lịch trải nghiệm, hay du lịch canh nông, đang là tiềm năng và cũng là thế mạnh ở xứ Nghệ. Vùng đất Phủ Quỳ màu mỡ (gồm các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa), có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch từ những cánh đồng, thung lũng hoa đua nhau tỏa hương khoe sắc như đồi hoa tam giác mạch, cánh đồng hoa hướng dương hàng chục ha; hay những trang trại, khu vườn cam, bưởi trĩu quả trên bình nguyên Phủ Quỳ. 

Mấy năm gần đây, khách du lịch rất háo hức với rừng tre ở xã Châu Khê, huyện miền núi Con Cuông. Bà con bản Thái đã trồng hàng trăm ha tre, mét…; ban đầu chỉ là mục đích kinh tế, nhưng nay đang là điểm check-in hút khách gần xa.

“Trong xào xạc của những rặng tre, chúng tôi có cảm tưởng như mình đang ở trong một phân cảnh của phim kiếm hiệp bên Trung Quốc. Rất lạ và thích mắt”, một du khách hào hứng kể.

Những đảo chè ở Thanh Chương, vốn chỉ là vùng nguyên liệu làm thức uống nhưng nay đang cho “doanh thu kép”. Gần 300ha đồi chè ở đây được bao quanh bởi 80ha mặt nước đã tạo nên phong cảnh tuyệt đẹp, vừa hùng vĩ, vừa nên thơ.

Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cười tươi: Mỗi năm đảo chè đón hàng trăm đoàn khách ghé thăm, rất tiềm năng để phát triển du lịch trải nghiệm. Ngoài tham quan, nông dân nơi đây còn có thêm nguồn thu nhập từ bán sản phẩm chè, gà, cá đánh bắt từ đập hay cho thuê trang phục chụp ảnh…

Đồi chè huyện Thanh Chương (Nghệ An) tuyệt đẹp trong nắng ấm mùa Đông

Còn nhiều việc phải làm để khai thác tiềm năng

Phát triển du lịch canh nông, không chỉ giúp người nông dân tăng thu nhập, mà còn là giải pháp tốt để quảng bá hình ảnh các sản phẩm nông nghiệp của vùng đất đến bạn bè khắp nơi. Đây cũng là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần thay thế những vườn tạp thành vườn cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách.

Nhưng một thực tế là, người nông dân trồng cam, chè, hồng, bưởi, tre… ở Nghệ An, dù rất quen với công việc nhà nông, có thể tạo ra doanh thu từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng ngay trên chính trang trại của mình, nhưng chắc chắn, hầu hết nông dân chưa quen với việc tạo ra doanh thu từ việc đón tiếp khách du lịch. Hay để các hãng du lịch đưa khách đến trang trại không phải là điều đơn giản.

Mặt khác, việc kết hợp phát triển các hoạt động du lịch gắn kết với nông nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương; chưa có mô hình du lịch canh nông kiểu mẫu liên kết chuỗi giá trị từ chủ trang trại, ngân hàng, nhà khoa học và các công ty lữ hành để đổi mới sáng tạo sản phẩm, nhằm phát triển loại hình này bền vững.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều điểm du lịch canh nông chưa có điều kiện đầu tư đồng bộ, đúng nghĩa một điểm du lịch canh nông. Đặc biệt là, kết cấu hạ tầng hỗ trợ du khách trong phạm vi điểm du lịch, dịch vụ truyền thông, kết nối tour tuyến phạm vi quốc gia và quốc tế chưa phát triển đúng mức. Thiếu đội ngũ nguồn nhân lực có kỹ năng, nghiệp vụ về hướng dẫn, phục vụ du khách. Phương pháp vận hành các mô hình liên kết các sản phẩm, dịch vụ thành quy trình khép kín phục vụ khách tham quan chưa đáp ứng được yêu cầu…

Vườn hồng trĩu quả ở Nam Đàn (Nghệ An) hút khách khi vào vụ

Mô hình du lịch cộng đồng, hay du lịch trang trại chính là xuất khẩu tại chỗ, là bán sản phẩm cho người đi du lịch đến nông trại mình. Do đó, du lịch canh nông phải có định hướng, phải có quy hoạch, chứ không thể tự phát. Điều này đang rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chuyên ngành và chính quyền.

Nhìn một cách tổng thể, với mỗi điểm du lịch canh nông, thì phải có bản đồ quy hoạch, phải có hợp tác xã, phải có liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong vùng; phải có bãi đậu xe, có quà lưu niệm, có hàng hóa bán, cơ sở hạ tầng phải bảo đảm… để du khách tự nguyện tiêu tiền.

Hiện nay, một số nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có một số mô hình, nhưng vẫn chủ yếu là tự phát, chưa đồng bộ. Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An từng có ý kiến: Chúng ta cần nghiên cứu nghiêm túc, khoa học và khách quan để sớm có định hướng đúng đắn và hiệu quả cho việc phát triển sản phẩm du lịch canh nông tại miền Tây Nghệ An. Khi khảo sát, sẽ quy hoạch chi tiết không gian của các nhà vườn gắn với đặc sản du lịch của mỗi địa phương.

Rõ ràng, việc quy hoạch khoa học, bài bản sẽ quyết định sự thành bại của mô hình du lịch canh nông đang ở thời kỳ phôi thai.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Thanh/baodantoc.vn

Tin cùng chuyên mục