Bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị Phạm Thị Hạnh ở thôn Đớn, xã Điền Hạ đã đầu tư phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Xác định sản xuất nông nghiệp là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, huyện Bá Thước đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Theo đó huyện tích cực hỗ trợ, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu canh tác, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương để tăng năng suất, sản lượng theo hướng bền vững gắn với những tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Ngoài ra, huyện cũng tạo điều kiện hỗ trợ người dân về vốn vay, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, các phương thức canh tác công nghệ cao, phá vỡ thế độc canh của các cây trồng, vật nuôi truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh việc liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân...
Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện Bá Thước đã có hàng nghìn lượt hộ dân người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn để sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, qua đó từng bước cải thiện và nâng cao đời sống. Chương trình “Phát triển nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch” tiếp tục được quan tâm. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh; chăn nuôi theo hướng tập trung, liên kết với các doanh nghiệp. Cùng với đó, huyện tập trung phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế để phục vụ du lịch và thị trường. Đồng thời, huyện cũng xác định các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế để phát triển. Đến nay, huyện đã có hơn 1.038ha cây ăn quả; tiếp tục phát triển đàn vịt Cổ Lũng, lợn cỏ, lợn lòi, gà ri, cá dốc phục vụ nhu cầu thị trường. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tích cực thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện. Năm 2023, chỉ số DDCI của huyện xếp thứ 13, tăng 14 bậc so với năm 2021. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ được tăng cường... Đặc biệt, thời gian qua du lịch là điểm sáng trong phát triển kinh tế của huyện, nhất là khu du lịch Pù Luông đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch sinh thái, cộng đồng Việt Nam; 9 tháng năm 2024, huyện đã đón trên 259.500 lượt du khách, doanh thu ước đạt 560 tỷ đồng.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, từ năm 2021-2024 huyện Bá Thước được giao tổng nguồn vốn 423.532 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư 277.219 triệu đồng, vốn sự nghiệp 146.313 triệu đồng. Bằng nguồn vốn trên, huyện đã đầu tư xây dựng 16 công trình. Đến nay, 10 công trình đã hoàn thành phê duyệt quyết toán, 6 công trình đang phê duyệt quyết toán. Bên cạnh đó, huyện đã phê duyệt và tổ chức thực hiện 46 mô hình, dự án sản xuất, trong đó có 5 mô hình trồng cây ăn quả, 41 mô hình chăn nuôi cho 1.332 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số mới thoát nghèo; mở 9 lớp học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 221 học viên; hỗ trợ người đi lao động ở nước ngoài. Cùng với đó, huyện tập trung rà soát để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Huyện đã phê duyệt cho 2.131 hộ làm nhà, sửa nhà, với tổng kinh phí 76.040 triệu đồng; đã hỗ trợ sửa chữa cho 628 hộ, xây mới cho 821 hộ...
Bí thư Huyện ủy Bá Thước Phạm Đình Minh cho biết: Thông qua Chương trình Mục tiêu giảm nghèo, giai đoạn 2021-2024 và kết hợp nguồn lực của địa phương đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội huyện. Kinh tế nông thôn tăng trưởng và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ; ngành nông nghiệp chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hình thành nhiều vùng nông nghiệp chuyên canh phát huy lợi thế địa phương. Đồng thời, hoàn thiện các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn, khu vực khó khăn, tăng cường hỗ trợ sản xuất theo hướng đồng bộ, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn. Người dân đã nâng cao ý thức chủ động nỗ lực thoát nghèo, tổ chức sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, thu nhập ổn định... Với những giải pháp trên, huyện Bá Thước sẽ tự tin hoàn thành mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025 và trở thành huyện khá của khu vực miền núi.