Đề án xây dựng nông thôn mới huyện Hàm Yên giai đoạn 2021-2025.

Ngày 08 tháng 6 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 360/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án xây dựng huyện Hàm Yên đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 (viết tắt là Đề án số 360/QĐ-UBND).
Tuyến đường giao thông nông thôn phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân tại xã Nhân Mục (Hàm Yên)

Theo nội dung Đề án số 360/QĐ-UBND, Huyện Hàm Yên phấn đấu hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, với mục tiêu cụ thể: Duy trì nâng cao tiêu chí tại 06 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020; có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (hoàn thành 100% số xã đến năm 2024), trong đó: Có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Bình Xa; xã Đức Ninh; Xã Thái Hòa); 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã Bình Xa); thực hiện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn đến năm 2024 và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2025.

Đề án số 360/QĐ-UBND xác định rõ: Thực hiện Đề án xây dựng huyện Hàm Yên đạt huyện nông thôn mới tập trung giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo chuyển biến rõ nét bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống của nhân dân, xã hội an toàn, môi trường sạch đẹp, giàu bản sắc văn hóa. Thực hiện với kế hoạch, lộ trình hợp lý, thực hiện các tiêu chí một cách vững chắc, phù hợp với điều kiện thực tế của huyện Hàm Yên, gắn chặt với thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập, tập trung vào một số sản phẩm chủ lực; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các chương trình kinh tế - xã hội khác. Lồng ghép, huy động đa dạng và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; chú trọng phát huy, khơi dậy nguồn lực trong nhân dân và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân. Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, nhân dân thực sự là chủ thể của xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Gắn kết quả xây dựng nông thôn mới với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị.

Đề án số 360/QĐ-UBND đặt ra 07 giải pháp thực hiện: (1) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; (2) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; (3) Tập trung thực hiện hoàn thành mục tiêu 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với việc rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, đổi mới các hình thức sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm nghèo và an sinh xã hội, phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường,...; (4) Hoàn thành đạt chuẩn tiêu chí huyện nông thôn mới gắn với việc duy trì, củng cố các tiêu chí đã đạt chuẩn, huy động nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng đảm bảo hoàn thành các tiêu chí chưa đạt chuẩn,…; (5) Thực hiện các chính sách ưu tiên; (6) Chú trọng công tác thi đua, khen thưởng; (7) Tăng cường kiểm tra, giám sát của các cấp các ngành, kịp thời tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Đề án dự kiến tổng nguồn lực cần huy động khoảng : 2.210.650 triệu đồng, trong đó: Nguồn vốn Ngân sách nhà nước chiếm khoảng 47,2%; nguồn vốn nước ngoài chiếm khoảng 1,3%; nguồn vốn doanh nghiệp chiếm khoảng 10,5%; nguồn vốn tín dụng chiếm khoảng 25,6%; huy động đóng góp từ nhân dân chiếm khoảng 9,2% và nguồn vốn huy động khác chiếm khoảng 6,1%.

Cũng theo nội dung đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể về tổ chức thực hiện cho các sở, ban, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án, phối hợp với huyện Hàm Yên triển khai thực hiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ đã xác định theo Đề án, đảm bảo hoàn thành theo đúng lộ trình thực hiện hàng năm và giai đoạn đến năm 2025. Đồng thời giao Ủy ban nhân dân huyện Hàm Yên xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện các nội dung Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh tổ chức tốt công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng về Chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn và kế hoạch thực hiện hàng năm; phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện, chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trong việc tổ chức và thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã: Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; thực hiện công khai, dân chủ các nội dung, kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã để người dân biết, dân bàn và tham gia thực hiện; tiếp nhận, quản lý, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả các nguồn vốn được cấp cho xây dựng nông thôn mới.


Vườn thanh long trồng theo quy trình VietGAP của gia đình anh Đỗ Văn Hưng, thôn 1 Minh Phú, Yên Phú (Hàm Yên)

Đề án xây dựng huyện Hàm Yên đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt và tổ chức thực hiện sẽ là cơ sở để Tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc lồng ghép nguồn lực từ các nguồn vốn, các  cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, nguồn vốn từ các Chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng, vốn vận động viện trợ, tài trợ, nguồn lực hỗ trợ từ doanh nghiệp, cộng đồng xã hội, đặc biệt là đóng góp tự nguyện của người dân,…  nhằm tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí nông thôn mới ở từng xã, hoàn thành từng tiêu chí huyện nông thôn mới theo đúng lộ trình thực hiện từng năm, đảm bảo đến năm 2025 huyện Hàm Yên có 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành 100% tiêu chí huyện nông thôn mới theo quy định./.

Trần Gia Lam/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục