Hiệu quả mô hình chăn nuôi trâu nhốt vỗ béo ở xã Thổ Bình

Chăn nuôi trâu vỗ béo ở xã Thổ Bình dù mới chỉ phát triển trong thời gian hơn 3 năm trở lại đây nhưng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, mở ra triển vọng trong việc xóa đói, giảm nghèo và từng bước ổn định kinh tế cho bà con nơi dẻo cao này. Đây cũng là một trong những mô hình xóa đói giảm nghèo đang được xã Thổ Bình khuyến khích người dân nhân rộng, nhằm tạo đà cho kinh tế của địa phương ngày càng phát triển bền vững theo hướng xây dựng nông thôn mới.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và nhận thấy nhiều hộ gia đình trong xã chăn nuôi trâu nhốt vỗ béo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đặc biệt là đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cuối năm 2018, gia đình bà Trần Thị Hạnh ở thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình cũng bắt tay vào chăn nuôi, bình quân 3 tháng 1 lứa nuôi từ 5 con trâu trở lên. Để duy trì được mô hình này, bà Hạnh đã trồng gần 2.000 mét vuông diện tích cỏ VA06 để làm thức ăn cho trâu và luôn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn trâu. Sau một thời gian thực hiện, bà Hạnh nhận thấy, chăn nuôi trâu nhốt vỗ béo đã giúp gia đình bà có thêm việc làm và tăng thu nhập, bình quân hơn 5 triệu đồng/ một tháng. Thấy đây là mô hình phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao, bà Hạnh đã tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ trong thôn cùng nhau thực hiện để phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Bà Trần Thị Hạnh, thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình nói: Tiếng động.


Bà Trần Thị Hạnh, thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình chăm sóc trâu của gia đình

Thổ Bình cũng là một trong những địa phương của huyện Lâm Bình có tiềm năng, thế mạnh về phát triển chăn nuôi đại gia súc. Để phát huy tiềm năng và thế mạnh ấy, hướng tới thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của xã Thổ Bình đã triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích các hộ gia đình phát triển chăn nuôi, trong đó có mô hình chăn nuôi trâu nhốt vỗ béo. Nếu như thời điểm năm 2018, xã chỉ có 1 hộ thực hiện chăn nuôi trâu nhốt theo hướng hàng hóa thì đến nay con số này đã tăng lên 47 hộ, bình quân mỗi hộ nuôi từ 5 con trở lên. Nhận thấy đây là mô hình không chỉ giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương, mà còn giúp các hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập và giảm nghèo. Với mục tiêu phấn đấu có thêm 30 hộ chăn nuôi trâu nhốt theo hướng hàng hóa trong năm 2021, xã Thổ Bình tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích các hộ gia đình có điều kiện, lợi thế mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trâu nhốt để phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.




Một số mô hình nuôi trâu nhốt tại xã Thổ Bình

Theo kế hoạch, đến hết năm 2021 xã Thổ Bình sẽ về đích chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc tìm được hướng đi đúng và trúng trong phát triển kinh tế nông nghiệp để khuyến khích các hộ gia đình thực hiện và nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo, đã và đang từng bước góp phần giúp cấp ủy Đảng, chính quyền xã Thổ Bình giải quyết bài toán khó về thu nhập và giảm nghèo theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Thúy Phượng-Xuân Cường/lambinh.tuyenquang.gov.vn

Tin cùng chuyên mục