“Bệ đỡ” cho nông sản tiêu biểu

Với mục tiêu khai thác tiềm năng của các nông sản tiêu biểu trong cả nước, qua đó tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được xem là bệ đỡ để nâng tầm thương hiệu đặc sản địa phương.

Lê Hồng Thái là nông sản tiêu biểu của Tuyên Quang.

 Xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) có 271 hộ, với 1.461 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và dân tộc Dao. Ở Hồng Thái, hầu hết trong vườn các gia đình đều trồng cây lê, một nông sản đặc thù của địa phương. 

Hồng Thái nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, cộng chất đất khá phù hợp cho cây lê có vị chát ngọt phát triển. Hiện xã có 18ha lê đang chuẩn bị cho thu hoạch và 29ha mới trồng. Xã đặt mục tiêu phát triển 47ha lê, sản lượng trên 90 tấn quả/năm. 

Quả lê Hồng Thái có hương vị ngon ngọt. Lê Hồng Thái cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu hàng hóa, có truy xuất nguồn gốc.

Để quả lê trở thành sản phẩm OCOP, thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân địa phương thực hiện trồng theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm; thường xuyên tập huấn kiến thức làm OCOP, nhất là những kiến thức làm nông sản sạch. Lê xã Hồng Thái cũng vừa được hỗ trợ 20.000 tem truy xuất nguồn gốc, bà con đồng thuận hưởng ứng. Vì lê có thương hiệu, được giá, nên người được hưởng lợi đầu tiên chính là người trồng. 

Có thể thấy, từ OCOP, nông sản tiêu biểu của địa phương đã có thêm “bệ đỡ” để xây dựng, phát triển thương hiệu. Nông sản có thương hiệu giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

(Chuyên mục này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

Bài, ảnh: Tùng Nguyên/Báo Dân Tộc

Tin cùng chuyên mục