Nho Quan: Triển khai có hiệu quả các chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới

Với việc triển khai đồng bộ các chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới như: Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chuyển đổi số và du lịch nông thôn, Nho Quan quyết tâm thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống người dân, tạo dựng một diện mạo mới, hiện đại và bền vững cho nông thôn.

Diện mạo nhiều vùng quê ở Nho Quan ngày càng khởi sắc. Trong ảnh: Một góc xã vùng cao Cúc Phương.

OCOP - Đòn bẩy nâng cao thu nhập cho người dân   

Xác định OCOP là chương trình trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Nho Quan đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

Theo đó, huyện tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và kiến thức tiếp cận thị trường, phát huy sự sáng tạo, tự chủ của người dân trong lựa chọn phát triển sản phẩm và hình thành các tổ chức liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững. Để khuyến khích các địa phương thực hiện Chương trình OCOP, năm 2020, UBND huyện đã ban hành Đề án xây dựng NTM huyện Nho Quan, giai đoạn 2021-2025, trong đó đã hỗ trợ cho các sản phẩm được công nhận OCOP mỗi sản phẩm 50 triệu đồng. Đây là một trong những cú hích giúp nông dân tăng cường đầu tư, xây dựng các sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, huyện tập trung chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các phòng, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát các sản phẩm tiềm năng, lựa chọn sản phẩm để phát triển thành sản phẩm OCOP.

Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị tư vấn hỗ trợ các chủ thể xây dựng thực hiện các bước quy trình để hoàn thiện sản phẩm. Tập trung đổi mới cải thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật, mở rộng vùng nguyên liệu; quản lý chất lượng sản phẩm; hoàn thiện bao bì, nhãn mác theo quy định.

Từ mảnh đất vùng cao đầy sỏi đá, giờ đây đến với xã Phú Long, nhiều người sẽ bắt gặp màu xanh bạt ngàn của những vùng trồng cây ăn quả, trong đó, nổi bật nhất là vùng trồng Na. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa giá trị, đời sống của người dân nơi đây ngày một khấm khá hơn nhờ mô hình trồng Na trái vụ, nhiều hộ vươn lên trở thành triệu phú.

Được biết, năm 2013 người dân bắt đầu đưa cây Na vào trồng thử nghiệm, với diện tích là 47 ha và 20 hộ trồng. Sau một thời gian trồng cho thấy, cây Na khá phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và địa hình nơi đây. Chủ yếu là giống Na dai bản địa cho ra loại quả có vị thơm và ngọt đậm, chất lượng đều hơn hẳn các giống Na trồng ở các địa phương khác. Trồng Na cũng cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với cây trồng truyền thống.

Để mô hình phát triển bền vững và nâng cao về giá trị sản phẩm đặc trưng của quê hương, được sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, xã đã thành lập “HTX Na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long”; HTX hoạt động có định hướng rõ ràng, các thành viên luôn đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, đưa thương hiệu Na Phú Long ngày càng vươn xa ra thị trường.

Nông dân xã Phú Long (Nho Quan) chăm sóc cây Na - một trong những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm na quả Phú Long đã đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Đồng chí Bùi Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết: Để phát triển mô hình, xã tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân biến khó khăn thành lợi thế để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Đến nay, mô hình đã có 45 hộ trồng với tổng diện tích lên tới 147 ha. Toàn bộ quy trình sản xuất được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap đảm bảo an toàn thực phẩm, thụ phấn bằng thủ công để na cho quả theo ý muốn, nhất là ra quả trái vụ.

Hiện Na Phú Long đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, có gắn mã tem truy xuất nguồn gốc nên được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, thương hiệu Na Phú Long ngày càng được nhiều người biết đến, sản phẩm thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, tập trung ở thị trường trong tỉnh và các tỉnh bạn như Nam Định, Thanh Hóa… Cây Na phát triển đã đem lại nguồn thu nhập khá cho bà con nông dân, bình quân đạt 320 - 350 triệu đồng/ha, cao hơn gấp nhiều lần so với các cây trồng truyền thống như ngô, sắn. Sản phẩm Na của xã đã góp phần thực hiện tiêu chí về kinh tế, thu nhập trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở xã vùng cao Phú Long.

Không chỉ ở Phú Long, Chương trình OCOP đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Nho Quan. Các sản phẩm OCOP của Nho Quan không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng mà còn mang đậm nét đặc trưng của địa phương, tạo ra những sản phẩm độc đáo và có giá trị thương hiệu. Đến nay, huyện đã có 24 sản phẩm được xếp hạng OCOP, với chất lượng ngày càng được nâng cao. Điều này không chỉ góp phần tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo ra những sản phẩm đặc trưng, mang đậm bản sắc địa phương. Việc tập trung phát triển sản phẩm OCOP đã giúp người dân nâng cao kỹ năng sản xuất, tiếp cận thị trường và xây dựng các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Chuyển đổi số: Nông thôn Nho Quan ngày càng hiện đại

Song song với triển khai chương trình chuyên đề phát triển sản phẩm OCOP, Nho Quan đã và đang tích cực thực hiện chương trình chuyển đổi số. Trong đó trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính, dịch vụ công và sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành được triển khai ứng dụng ở 100% cơ quan, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị trực thuộc của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. 100% cơ quan, đơn vị thực hiện cập nhật các kỳ báo cáo trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Ninh Bình đảm bảo đúng tiến độ.

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC được sử dụng có hiệu quả. Nhiều người dân đã hình thành thói quen nộp và nhận kết quả bằng hình thức trực tuyến với 83,2% hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn. Huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tích cực hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như: hướng dẫn cách sử dụng sổ sức khỏe điện tử; phần mềm tiêm chủng mở rộng; thanh toán số; tham gia sàn thương mại điện tử…

Giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa xã Gia Lâm (Nho Quan).

Thông qua công tác tuyên truyền, người dân được tiếp cận với nhiều dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đã có trên 126.700 công dân từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 93%. 64,5% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; 100% người dân có danh tính số/tài khoản định danh điện tử và nhiều tài khoản định danh điện tử đã được tích hợp giấy tờ, Bằng lái xe, Bảo hiểm y tế… Qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các giao dịch giải quyết thủ tục hành chính.

Theo ước tính, có khoảng 47,5% người dân trên địa bàn huyện biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông. Nhiều nông dân đã tích cực, chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số như: tham gia sàn giao dịch điện tử thương mại để quảng bá và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp; tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như xây dựng mô hình tưới tiết kiệm nước; nuôi dê núi theo chuỗi giá trị; sử dụng tem truy xuất nguồn gốc… Các hoạt động này đã và đang tạo độ tin cậy cho người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở cung cấp nông sản sạch và hàng hóa đạt chất lượng cao trên địa bàn huyện.

Việc kết hợp hài hòa giữa các chương trình OCOP, chuyển đổi số ở Nho Quan góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế địa phương.

 

Thanh Thủy/baoninhbinh.org.vn

Tin cùng chuyên mục