Năm 2018, HTX dược liệu Big Farm đã tiến hành khảo sát, thuê lại 10ha đất vườn tạp của nông dân xóm Men, xã Yên Hòa (Đà Bắc) và trồng thử nghiệm một số cây dược liệu.
Xã Yên Trị (Yên Thủy) là một trong những "điểm sáng” về phát triển cây dược liệu. Đồng chí Bùi Phi Diệp, Chủ tịch UBND xã cho biết: Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), bài toán đầu tiên được đặt ra với cấp ủy, chính quyền xã là làm sao nâng cao thu nhập cho người dân. Chủ trương chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả và các khu vườn tạp sang trồng cây dược liệu xuất phát từ đó.
Để đem lại hiệu quả cao nhất, địa phương chủ động chọn các cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, cây dược liệu quý bản địa và tuyên truyền người dân đưa vào trồng thay thế. Đồng thời, xã đề xuất với huyện đồng hành, phối hợp với các trung tâm dược liệu, các công ty dược để xây dựng mô hình liên kết sản xuất. Không như cây trồng mùa vụ, đặc thù của cây dược liệu chủ yếu là dài ngày, trồng một lần thu nhiều năm, công chăm sóc ít mà giá trị kinh tế mang lại cao gấp khoảng 3 lần so với trồng lúa. Từ hướng đi đúng, đời sống của nhiều hộ dân Yên Trị ngày càng khấm khá. Diện tích trồng dược liệu tại xã được mở rộng khoảng 35ha, thu hút 45 hộ tại HTX Nông nghiệp Yên Trị và 100 hộ cùng tham gia.
Cùng với xã Yên Trị, trồng và phát triển cây dược liệu đã được nhiều địa phương triển khai. Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.350 ha dược liệu, trong đó có 197,6 ha trồng xen trên đất rừng, còn lại được trồng trên đất cây hàng năm, cây lâu năm... Một số loại dược liệu chính có diện tích và sản lượng lớn như: sả 1.600 ha cho thu hoạch trên 11 nghìn tấn/năm; cà gai leo 167 ha, thu hoạch trên 1,2 nghìn tấn/năm; xạ đen 218 ha, thu hoạch 1,62 nghìn tấn/năm... Cùng với đó là các dược liệu khai thác tự nhiên với đa dạng về loài, giống như: chè dây, lạc tiên, thất diệp nhất chi hoa, lan kim tuyến...
Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư trồng, chế biến dược liệu. Các dự án, Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã giúp đẩy mạnh và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào canh tác, sơ chế, chế biến cây dược liệu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 cơ sở, doanh nghiệp thu mua, sơ chế dược liệu; 10 cơ sở chế biến dược liệu với quy mô doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình, bước đầu tạo đầu ra ổn định cho cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Bắt nguồn từ các bài thuốc gia truyền với sự đa dạng về nguồn cây thuốc tại địa phương, một số HTX sản xuất được sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 - 4 sao như: cao cà gai leo Yên Thủy của HTX Nông lâm nghiệp Bảo Hiệu, cao xạ đen của HTX Nông nghiệp Yên Trị (Yên Thủy); cao xạ đen và cao cà gai leo của HTX Tuyết Nhi (Lương Sơn); an phế Triệu Gia của HTX thuốc nam gia truyền Triệu Gia (Kim Bôi); an phục khớp của HTX H20 Việt Nam (TP Hòa Bình)... Trong đó, các sản phẩm cà gai leo Yên Thủy và xạ đen Hòa Bình được cấp văn bằng chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu.
Tuy nhiên, theo đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT, hiện nay, tổng sản lượng dược liệu của tỉnh đưa vào chế biến mới chiếm khoảng 30%. Một phần còn lại (khoảng 10%) được sử dụng trong các bài thuốc đông y gia truyền; còn phần lớn (khoảng 60%) vẫn tiêu thụ ngoài tỉnh dưới dạng sản phẩm thô. Thực tế đó đòi hỏi cần có những giải pháp căn cơ để phát triển vùng trồng cây dược liệu tương xứng tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trở thành sinh kế để thoát nghèo bền vững, tiến tới nâng cao thu nhập, tạo ra các sản phẩm dược liệu đặc trưng trên địa bàn.
Cũng theo lãnh đạo ngành NN& PTNT, thời gian tới, dựa trên điều kiện tự nhiên, nhu cầu thị trường, giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu, tỉnh sẽ xây dựng danh mục các loại cây dược liệu ưu tiên phát triển. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách, phương án hỗ trợ nuôi trồng, phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và cho thuê môi trường để phát triển cây dược liệu, đảm bảo phù hợp với quy chế quản lý rừng và quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Ngoài việc tập huấn nâng cao năng lực quản lý và tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu; hỗ trợ chế biến sâu, tạo ra những thương hiệu dược liệu có giá trị gia tăng lớn gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới... ngành nông nghiệp sẽ tập trung hỗ trợ lập hồ sơ quản lý, cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc đối với các diện tích trồng cây dược liệu tập trung; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư... từ đó phát triển bền vững cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.