CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN XÃ NÔNG THÔN MỚI

Xã Mỹ Bằng là một trong những xã đầu tiên của huyện Yên Sơn và tỉnh Tuyên Quang về đích nông thôn mới. Phát huy những kết quả đã đạt được, nhân dân trên địa bàn xã luôn nỗ lực giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển.

Đến thăm xã Mỹ Bằng vào những ngày này, mọi tuyến đường trên địa bàn xã đều được bê tông hóa, đường xá phong quang; nhà cửa của các hộ dân được chỉnh trang, gọn gàng, sạch sẽ; các công trình nhà tiêu, nhà tắm, bồn nước nước sinh hoạt được trang cấp đảm bảo hợp vệ sinh. Qua diện mạo nông thôn cho thấy có sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân xã Mỹ Bằng. 


Một tuyến đường bê tông nội đồng tại xã Mỹ Bằng.

Năm 2014, xã Mỹ Bằng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, về đích trước một năm so với kế hoạch. Ngay sau khi hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã tiếp tục triển khai ngay các giải pháp để nhằm duy trì, giữ vững, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà nhân dân xã Mỹ Bẵng đã tự nguyện đóng góp trên 70,3 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Từ sự quyết tâm, đồng tình, ủng hộ của nhân dân mà hiện nay các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao Mỹ Bằng đã cơ bản hoàn thành. Nhiều tiêu chí đạt tỷ lệ 100%, vượt so với quy định của Bộ tiêu chí. Cụ thể như đường giao thông 114.17/141.37 km đường được bê tông hóa (3 km đường liên xã, 101,37km đường trục thôn, 9,8 km đường nội đồng); 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia thường xuyên và an toàn; 5/5 trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia; 25/25 thôn có nhà văn hóa, sân thể thao, khu vui chơi đạt chuẩn theo quy định; các công trình thiết yếu khác đều được đầu tư xây dựng đảm bảo đáp ứng nhu cầu và nâng cao đời sống vật chất và tinh thân nhân dân”. 

Người dân xã Mỹ Bằng trồng chè cho thu nhập cao.

Thành công lớn nhất của xã Mỹ Bằng trong những năm qua đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Cụ thể xã chủ trương và tập trung phát triển một số lĩnh vực mang tính đột phá như: phối hợp với trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp dạy nghề, trang bị kiến thức, kỹ năng chủ yếu về nuôi, trồng cho người dân; phối với các ngân hàng tín dụng đẩy mạnh hỗ trợ cho vay đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng chè, khuyến khích cải tạo chè già cỗi, trồng thay thế bằng các giống chè lai, chè đặc sản có năng suất, chất lượng cao; liên kết sản xuất, chế biến chè xuất khẩu bảo đảm sản xuất gắn chế biến với các Công ty như công ty cổ phần chè Mỹ Lâm, công ty cổ phần chè Phù Hiên, công ty chè Duy Phát và 15 xưởng chế biến chè tư nhân trên địa bàn xã. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 43 triệu đồng/người/năm tăng 22 triệu so với năm 2014, đạt chuẩn thu nhập của xã nông thôn mới nâng cao. 

Bài, ảnh: Đặng Huyền/yenson.gov.vn

Tin cùng chuyên mục