Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới ở Trung Hà

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Là xã khó khăn của huyện Chiêm Hóa, với xuất phát điểm thấp trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của bà con nhân dân, xã Trung Hà quyết tâm sẽ cán đích đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024.

Với tiềm năng, lợi thế lớn trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, với nhiều hang động đẹp, sở hữu những cánh rừng nguyên sinh. Đặc biệt, là sự kì vĩ của Danh thắng thiên nhiên quốc gia Bản Ba, với địa hình núi đá vôi đã tạo nên nhiều ghềnh thác mang vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng... Sự đa dạng về văn hóa, đặc biệt nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc: Tày, Dao, Mông... xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa đang thực sự là một điểm đến lý tưởng cho du khách thập phương.

Đến với xã Trung Hà, du khách sẽ được hòa mình với những hoạt động của đồng bào các dân tộc nơi đây, đặc biệt sẽ được tận mắt ngắm nhìn những bộ trang phục sặc sỡ, công phu từ đôi bàn tay của người phụ nữ dân tộc Dao. Khách du lịch đến với xã Trung Hà không chỉ để khám phá sự hùng vĩ của không gian, cảnh sắc núi rừng, mà nhiều khách du lịch đã lựa chọn cách du lịch trải nghiệm dịch vụ Homestay để có dịp hòa mình với cuộc sống của đồng bào sở tại. Trước những nhu cầu đó, hiện nay trên địa bàn xã Trung Hà đã có một số hộ gia đình bắt tay vào tu sửa nhà cửa, khuôn viên để đón khách, nổi bật là Homestay Tát Củm được đặt dưới chân núi của dòng thác Bản Ba của gia đình anh Ma Đức Hòa. Gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư chi phí lên đến hàng tỷ đồng để cải tạo khuôn viên và làm du lịch Homestay.

Để phát triển loại hình du lịch Homestay, các hộ gia đình đã nơi đây đã mạnh dạn đầu tư, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, mua sắm thêm trang thiết bị để phục vụ du khách đến ăn nghỉ tại gia đình. Đặc biệt, xã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý về các hoạt động dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó xã cũng tạo điều kiện cho các hộ gia đình làm dịch vụ Homestay đi học tập kinh nghiệm những mô hình tốt, cách làm hay về phát triển du lịch cộng đồng ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng để khôi phục những nét văn hoá truyền thống như: Gìn giữ và phát triển những làn điệu dân ca, dân vũ, nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu và thưởng thức văn hóa của du khách. Phục dựng một số nghề truyền thống phục vụ du khách như nghề thêu, dệt, thổ cẩm, nghề thuốc nam của dân tộc Dao, nghề đan lát hàng thủ công mỹ nghệ mây, tre, nứa, lá của dân tộc Tày.

Homestay Tát Củm của gia đình anh Ma Đức Hòa là một trong những điểm dừng chân lý tưởng cho du khách

Thác Bản Ba nằm bên triền núi Phiêng Khàng, thác có chiều dài khoảng 3km, được tạo bởi 3 tầng thác chính. Tầng thác thứ nhất có tên gọi là Tát Củm, tầng thứ hai gọi là Tát Cao và tầng thứ ba gọi là Tát Gió. Chuyển tiếp giữa các tầng thác là những tầng thác nhỏ có độ cao 5-7m, có nhiều khe nước nhỏ và các vực nước trong xanh có tác dụng điều hoà và phân phối nước. Những cánh rừng cổ thụ vài trăm năm tuổi, nhiều loại gỗ quý, những dây leo chằng chịt, thảm thực vật phong phú và nhiều loài chim bao quanh dòng thác. Từ xa, thác Bản Ba đổ trắng xóa một góc rừng. Chân thác, những cánh đồng quanh năm tươi tốt. Đồng bào người Tày, người Dao cùng nhau sinh sống. Nhũng ngôi nhà nhỏ dưới chân núi, thấp thoáng ẩn hiện. Du khách đến thăm nơi đây được hưởng trọn vẹn một cảnh quan nguyên sơ và thơ mộng.

Cùng với việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân xã Trung Hà cũng đã nhạy bén nắm bắt thời cơ, tận dụng được lợi thế của địa phương để khôi phục, tạo đà phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với lao động sản xuất...  tạo công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Để du lịch phát triển bền vững và trở thành hướng phát triển kinh tế chính của địa phương, xã Trung Hà đã và đang tập trung phát triển và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, hướng dẫn người dân làm du lịch một cách bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch của xã cũng như huy động các nguồn lực, vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vào lĩnh vực du lịch. Với những bước đi vững chắc, tin tưởng rằng phát triển du lịch trên địa bàn xã Trung Hà sẽ trở thành hướng phát triển kinh tế chính cho người dân, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách khi đến với Trung Hà./.

Lại Kiều Trang/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục