Ngành nông nghiệp tỉnh chủ động, tích cực trong thực hiện chuyên đề môi trường phục vụ xây dựng nông thôn mới

Nhằm tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình chuyên đề Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành văn bản triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 14/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.

Với mục tiêu thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Việc tổ chức thực hiện chuyên đề đã được ngành chủ động, tích cực gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 07 hội nghị tuyên truyền các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho 210 đại biểu trên địa bàn toàn tỉnh; phối hợp với Tạp chí Hữu cơ Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng 26 tin, bài tuyên truyền về phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Tuyên Quang; xây dựng 15 mô hình IPM trên các cây trồng: Lúa, ngô, rau, cam, bưởi, chè với diện tích thực hiện 63 ha (tại các huyện: Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang); tổ chức 15 lớp tập huấn IPM với 405 nông dân tham gia, sau khi tham gia các lớp tập huấn và xây dựng mô hình IPM người dân đã được nâng cao kiến thức về quản lý sinh vật gây hại cây trồng, thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức sản xuất của người nông dân theo hướng chuyên nghiệp hơn, qua đó góp phần nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp đồng thời hướng đến một ngành nông nghiệp minh bạch, bền vững. Mô hình áp dụng các biện pháp IPM đã giúp cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu, trên mỗi vụ sản xuất giảm từ 1-2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng bón phân hóa học từ 5-10%, giảm chi phí sản xuất từ 5-10%, năng suất tăng thêm từ 10-15% so với khi chưa áp dụng IPM, chất lượng nông sản được nâng cao, tăng hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành đã phối hợp với cơ quan liên quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho nhân dân, các doanh nghiệp, Hợp tác xã về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách, đảm bảo thời gian cách ly thuốc đã góp phần làm giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận của người dân, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Thực hiện thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, đến nay toàn tỉnh lắp đặt được 6.285 bể chứa và 44 nhà kho lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Phối hợp với tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về kỹ thuật, nguyên tắc sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ...) trên các cây trồng; mở rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn (VietGAP, hữu cơ...), đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc; tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách của tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Dự kiến đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 3.824,9 ha cây trồng áp dụng sản xuất theo chuẩn (VietGAP, hữu cơ...), trong đó: Cam 1.657,1 ha; chè 1.319,7 ha; bưởi 470 ha; rau, lạc 145,2 ha; lúa 47,5 ha và các loại cây ăn quả khác 185 ha.

Đoàn Thanh niên Sở Nông nghiệp và PTNT chung tay thu gom rác thải

Môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng và khó thực hiện trong xây dựng nông thôn mới. Để góp phần hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu trong giai đoạn 2021-2025; vai trò của Chương trình chuyên đề này là rất quan trọng. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp gắn với chuyên môn; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường, tạo tiền đề vững chắc để nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần thiết thực trong phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.

Trần Thị Việt Hà/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục