Tuyên Quang phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 07/12/2022 về thực hiện hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025, triển khai đồng bộ nhiều chính sách phù hợp, mở cửa khuyến khích đầu tư vào du lịch nông thôn

Lễ hội Khinh khí cầu tại Lâm Bình tỉnh Tuyên Quang

Chính quyền vào cuộc

Kể từ khi Thủy điện Na Hang hình thành ngoài khu di tích lịch sử Cây đa Tân Trào được mệnh danh là "Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến" , Suối khoáng Mỹ Lâm… Tuyên Quang có thêm nhiều điểm đến du lịch ở khu vực nông thôn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, góp phần đưa nông thôn Tuyên Quang chuyển biến theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng và lợi thế, du lịch nông thôn của Tuyên Quang còn gặp nhiều thách thức cần tháo gỡ.

Nhận thức rõ được tiềm năng, lợi thế đó, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 về quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo sau đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ, trong đó có thu hút nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch; Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Hướng dẫn liên ngành số 181/HDLN-VHTTDL-TC-KHĐT-NHNN ngày 07/3/2022 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hướng dẫn thực hiện một số chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Homestay AnNa xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình

Những năm gần đây, Tuyên Quang đã tích cực tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch cấp tỉnh, cấp huyện; tuyên truyền xúc tiến, quảng bá hình ảnh về miền đất, văn hóa, con người Tuyên Quang, thông qua các danh mục dự án du lịch và các phương tiện thông tin đại chúng, mời gọi đầu tư, các sự kiện: Đất và người xứ Tuyên; Khám phá Ẩm thực xứ Tuyên, Dòng chảy văn hóa dân gian; Tuyên Quang “Nơi vẻ đẹp hội tụ”; Quyến rũ mùa hoa Lê ở vùng cao ; các phim phóng sự tài liệu “Tuyên Quang - Miền di sản” “Lễ hội trung thu”…được tổ chức thành công.

Khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch du lịch nông thôn

Thuộc địa phận thôn Bản Ba, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, cách thành phố Tuyên Quang khoảng hơn 70km, Thác Bản Ba là một trong những con thác dài nhất miền bắc với 3km được chia thành ba tầng. Nằm ở độ cao địa hình khoảng 170m, mực nước chảy đều quanh năm nhưng nước lớn và đẹp nhất là vào thời điểm mùa hè và mùa thu, thác Bản Ba được mệnh danh “nàng thơ ngủ trong rừng” của Tuyên Quang. Giữa những tầng xanh thăm thẳm của rừng, dòng thác liên tục đổ xuống trắng xóa từ độ cao hàng chục mét. Dòng nước mát lạnh, trong vắt xua tan đi cái nóng bức mùa hè. Do có chiều dài lớn, du khách muốn khám phá được hết các tầng thác sẽ trekking trong một ngày với rất nhiều hoạt động như: đi bộ theo con thác, khám phá lòng thác, tắm ở các chân vực, thưởng thức bữa ăn giữa dòng nước mát…năm 2023 Tuyên Quang đã phân bố 500,0 triệu đồng để triển khai thực hiện mô hình thí điểm theo Quyết định số 1386/QĐ-BNN-VPĐP ngày 06/4/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Phê duyệt danh mục các mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Thác  Bản Ba được lựa chọn để xây dựng mô hình điểm “Phát triển mô hình du lịch nông thôn, xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Bản Ba 1, Bản Ba 2, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang”.

Du khách thư giãn bên Thác Khuổi Nhi

Huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang được thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái đa dạng với nhiều cảnh quan hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao,...Nhiều năm qua, huyện đã tập trung các nguồn lực xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, tích cực và đa dạng hóa các hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch nhằm đưa du lịch trở thành trung tâm trong chuỗi phát triển kinh tế- xã hội. Đồng thời xuyên suốt phương châm: “Phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của địa phương. Gắn phát triển du lịch với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng không gian du lịch xanh, sạch, đẹp, an toàn”.

Đến Lâm Bình thả mình thư giãn ở chân thác Khuổi Nhi và được cả đàn cá nhỏ massage thư giãn khiến mọi mệt mỏi của cả quãng đường dài đều tan biến, thay vào đó là cảm giác thư thái, mát mẻ, sảng khoái.

Sau nhiều lần được đi tham quan học tập kinh nghiệm để làm du lịch xanh, bền vững, ông Ma Văn Nghị – chủ Homestay AnNa ở xã Thượng Lâm đã mạnh dạn đầu tư sửa sang lại căn nhà sàn bằng gỗ của gia đình làm cơ sở lưu trú. Vào ngày nghỉ cuối tuần, dịp lễ hội có đông du khách, homestay AnNa còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm cộng đồng: giã bánh dày, chơi những trò chơi như đánh pam, đánh yến, giao lưu văn hóa văn nghệ, đốt lửa trại, nhảy sạp, nghe hát then…

Ngoài phát triển hệ thống Homestay, các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng được Tuyên Quang chú trọng bảo tồn, phát huy, tạo thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách, như: bảo tồn làng bản, nhà truyền thống thông qua hình thành các nhà lưu trú homestay; thành lập các đội văn nghệ truyền thống các dân tộc. Đến nay, toàn tỉnh thực hiện bảo tồn 11 làng văn hóa gắn với phát triển du lịch; 153 nhà truyền thống; 25 đội văn nghệ các dân tộc thiểu số phục vụ phát phát triển du lịch. Đến nay Tuyên Quang đã hỗ trợ duy trì, phát triển 13 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện, thành phố đáp ứng nhu cầu thị trường khách du lịch, 6/7 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch, Đề án xây dựng Làng văn hóa gắn với phát triển du lịch; các sản phẩm, mô hình đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm theo mùa nông nghiệp như: Hoa lê, hoa cải vàng, lúa vàng Hồng Thái (Na Hang); ruộng bậc thang xã Xuân Lập (Lâm Bình); hình thành trang trại nông nghiệp gắn với du lịch tại Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, Na Hang, Lâm Bình; bơi mảng - Hát Then trên hồ Nà Nưa, tour leo Núi Hồng tại huyện Sơn Dương… đến nay toàn tỉnh Tuyên Quang đã công nhận, xếp hạng 191 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP ( trong đó 03 sản phẩm của nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt hạng 3 sao, 4 sao), góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hoá cho du khách. 

Năm 2023 Tuyên Quang còn tổ chức Lễ hội Kinh khí cầu quốc lần thứ II đây là điểm nhấn hưởng ứng Chương trình khai mạc năm du lịch tỉnh Tuyên Quang 2023, được tổ chức từ ngày 28/4 đến ngày 2/5 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang) và sân vận động thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình); Hội chợ Thương mại – Du lịch tỉnh Tuyên Quang, quy mô trên 250 gian hàng với sự tham gia của trên 200 tổ chức xúc tiến thương mại, du lịch, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước và 6 tỉnh Việt Bắc gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang cùng các Hiệp hội ngành hàng và làng nghề trên cả nước. Tại đây, các gian hàng tập trung vào nhiều ngành hàng, sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố, các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề, nông, lâm, thủy sản, hải sản và chế biến thực phẩm; hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, nội thất; các sản phẩm du lịch, dịch vụ; Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 với chủ đề "Lung linh sắc màu đêm hội Thành Tuyên" do tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhiều địa phương trong, ngoài nước tổ chức. Chương trình thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng vạn người dân tỉnh Tuyên Quang và du khách cả nước đến với thành phố Tuyên Quang. Đây là năm đầu tiên tỉnh Tuyên Quang triển khai Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023 - 2025, với mục tiêu trọng tâm là xây dựng, phát triển Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia và quốc tế;

Năm 2023 toàn tỉnh đón 2.650 nghìn lượt khách du lịch, đạt 106% kế hoạch; tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt 2.687 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm, tăng 24% so với cùng kỳ. Đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu đón trên 3 triệu lượt du khách; tổng thu từ du lịch đạt trên 4.800 tỷ đồng; đóng góp cho GRDP từ 6% trở lên; tạo việc làm cho trên 25.000 lao động.

Tháo gỡ khó khăn, tạo cơ hội để du lịch nông thôn “cất cánh”

Bên cạnh tiềm năng, du lịch nông thôn của Tuyên Quang đối mặt với một số vấn đề khó khăn, bất cập. Các mô hình du lịch nông thôn của Tuyên Quang còn mang tính tự phát, chưa bài bản, thiếu sự liên kết, thiếu bền vững nên hiệu quả chưa cao. Vấn đề xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa sản phẩm du lịch nông nghiệp, kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp còn gặp rất nhiều trở ngại nếu không có sự trợ giúp kịp thời. Vấn đề truyền thông, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên để cân bằng giữa bảo tồn, giữ gìn và phát triển.

Do đó, trong thời gian tới, Tuyên Quang cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức cho toàn thể nhân dân nói chung, cán bộ và cư dân nông thôn về vai trò, sự cần thiết và giải pháp phát triển du lịch nông thôn. Về phía người dân, cần tích cực tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, tự giác tham gia vào chương trình và các hoạt động phát triển  du lịch nông thôn. Để chủ trương phát triển du lịch nông thôn ở Tuyên Quang thực sự đi vào cuộc sống, ngoài việc tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, cần tổ chức các buổi phổ biến trực tiếp, hội thảo chuyên đề về du lịch nông thôn, qua đó giải đáp những thắc mắc, vướng mắc mà các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư nguồn phát triển du lịch nông thôn.

Để phát huy lợi thế và xây dựng thương hiệu du lịch nông thôn Tuyên Quang, cần coi trọng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch khu vực nông thôn gắn với du lịch nông thôn trong bối cảnh tốc độ hóa đô thị đang diễn ra nhanh chóng. Ngoài quy hoạch các vùng, các điểm du lịch nông thôn, cũng cần quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, vui chơi, giải trí.

Những kết quả ban đầu trong phát triển du lịch nông thôn đã góp phần thay đổi diện mạo, tư duy, đời sống của người dân địa phương. Chính quyền và người dân tỉnh Tuyên Quang đang nỗ lực tạo ra các giá trị mới trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng hình ảnh du lịch Tuyên Quang luôn cởi mở, thân thiện trong tâm trí du khách, từng bước hiện thực hóa khát vọng “nông thôn là nơi đáng sống, nơi để tìm về./.

Trần Hồng Khuyên/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục