Nhìn lại kết quả phát triển hạ tầng giao thông nông thôn tỉnh Tuyên Quang

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa, đặc điểm địa hình phức tạp do bị chia cắt thành từng vùng độc lập, vì thế việc đi lại của nhân dân chủ yếu bằng đường bộ. Do đó yêu cầu về phát triển hệ thống giao thông đường bộ có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Sau 08 năm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần tích cực thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Ảnh minh họa: Đường giao thông xã Sinh Long được bê tông hóa (nguồn ảnh: Báo Tuyên Quang)

Những năm qua, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư mở mới, cải tạo, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hoá giữa các vùng miền trong tỉnh và giao lưu đi lại của nhân dân cả nước về với Tuyên Quang, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh có trên 7.700km, trong đó: Gồm 7 tuyến (Quốc lộ 2, QL2C, QL2D, QL3B, QL37, QL279  với tổng chiều dài 564km; Đường tỉnh 5 tuyến dài 451km; đường huyện 135 tuyến dài 1.141km; đường đô thị 197 tuyến dài 304km; còn lại là đường giao thông nông thôn dài 5.317km, trong đó có 1.677km đường trục xã, liên xã; 2.001km đường trục thôn, xóm; 1.639km đường nội đồng.

Với thực trạng hệ thống đường giao thông nông thôn chiếm 69,1% tổng chiều dài mạng lưới giao thông đường bộ toàn tỉnh, trong đó các tuyến đường giao thông nông thôn tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, còn nhiều tuyến đường quy mô thấp hoặc chưa vào cấp kỹ thuật, nên chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và giao lưu đi lại của nhân dân,… Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ thực hiện xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn đạt chuẩn cấp kỹ thuật quy định.

Từ năm 2011, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành chính sách hỗ trợ và phê duyệt Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015; giai đoạn 2016-2020, tỉnh tiếp tục phê duyệt Đề án bê tông đường giao thông nội đồng với cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể; đồng thời chỉ đạo kết hợp lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông nông thôn của tỉnh. Kết quả sau 08 năm thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển hạ tầng giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, cụ thể:

Trong giai đoạn 2011 - 2015, được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV xác định đầu tư xây dựng hệ thống giao thông là một trong bốn khâu đột phá. Do vậy, ngay sau Đại hội, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Đề án bê tông hoá đường giao thông nông thôn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm": Nơi nào tự nguyện hiến đất; tự giải phóng mặt bằng; tự nguyện đóng góp vật liệu, nhân công, thiết bị, công cụ lao động để xây dựng đường giao thông nông thôn với quy mô nền đường rộng 5m, mặt đường bê tông rộng tối thiểu 3 m thì ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua và vận chuyển xi măng, ống cống đến thôn; hỗ trợ công tác quản lý kỹ thuật 02 triệu đồng/1km. Với mục tiêu toàn tỉnh thực hiện bê tông hoá 70% đường giao thông nông thôn với chiều dài 2.184 km.

Kết quả đã hoàn thành trên 2.700 km (đạt 124% kế hoạch), khẳng định đây là một chủ trương đúng, hợp lòng dân, được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, đồng thời đã huy động được sức mạnh nội lực trong nhân dân, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Từ đó, toàn tỉnh đã huy động được 1.543,2 tỷ đồng (trong đó: ngân sách nhà nước 753,5 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 789,7 tỷ đồng; tổng diện tích hiến đất làm đường (không quy tiền) 41.847 m2) để bê tông hoá đường giao thông nông thôn vượt mục tiêu đã đề ra.

Giai đoạn 2016 - 2020: Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI xác định mục tiêu huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm, nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế vững chắc và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đối với giao thông nông thôn, tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai Đề án bê tông hóa đường giao thông nội đồng, theo cơ chế thực hiện “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”. Kết quả, năm 2016, 2017 và đến tháng 6/2018 đã thực hiện bê tông hóa được 307,5 km đường giao thông nội đồng và đường vùng sản xuất hàng hóa, góp phần hoàn thành tiêu chí Giao thông của 20 xã mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2018, duy trì đạt chuẩn tiêu chí Giao thông của 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Đến nay, toàn tỉnh đã có 46/129 xã (chiếm 35,7% số xã) đạt chuẩn tiêu chí giao thông, hoàn thành so với mục tiêu giai đoạn 2016-2020.


Nhân dân xã Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang làm đường giao thông nông thôn

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã chủ động thực hiện kết hợp lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới và huy động vốn tài trợ, đóng góp tự nguyện của nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu giao thông nông thôn, kết quả đã đầu tư cải tạo được 129,7km, với kinh phí thực hiện 163,5 tỷ đồng và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 18 cầu dân sinh với kinh phí thực hiện 30,98 tỷ đồng.    

Kết quả đó tạo một diện mạo mới về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, trong đó hệ thống đường giao thông nông thôn đang từng bước phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hoá giữa các khu vực, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thu hút đầu tư về khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, góp phần tích cực thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới./.

Trần Gia Lam/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục