Xác định hướng đi phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao của các trang trại ở xã Phúc Thịnh

Phát huy nguồn nguyên liệu sẵn có, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, quảng bá, giới thiệu được sản phẩm của địa phương và tạo thành chuỗi khép kín là cách làm các trang trại, cơ sở sản xuất ở xã Phúc Thịnh đang thực hiện, góp phần quan trọng vào quá trình hiện thực hóa nông thôn mới của xã.

Trang trại lợn của ông Nguyễn Quang Hùng, thôn Trung Tâm, xã Phúc Thịnh

Dẫn chúng tôi đi thăm một số trang trại, cơ sở sản xuất, ông Triệu Quang Hải, Chủ tịch UBND xã Phúc Thịnh cho biết, trên địa bàn xã hiện có 05 trang trại, gồm 02 trang trại chăn nuôi lợn, 03 trang trại tổng hợp, doanh thu trung bình khoảng 800 triệu đồng/năm/trang trại và có 113 hộ phát triển kinh tế theo hướng kết hợp sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với kinh doanh, dịch vụ, doanh thu trung bình khoảng 120 triệu đồng/hộ/năm. Tiêu biểu cho sự kết hợp, vận dụng giữa cây trồng với vật nuôi tạo hiệu quả kinh tế cao mà chi phí giảm đáng kể là trang trại của ông Nguyễn Quang Hùng, ở thôn Trung Tâm.

Dù đã nghe kể, nhưng khi đến nơi chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước vườn cây xanh mướt tỏa bóng mát rượi hai bên đường dẫn vào trang trại. Trao đổi về cách làm trong việc nuôi - trồng kết hợp ở trang trại, ông Hùng cho biết, tổng diện tích trang trại của gia đình ông có khoảng 3 ha, trong đó có 2 ha được trồng 3 lớp cây, cao để che mát là xoan, tầm trung để giữ ẩm là chuối và dưới cùng là cây lá dong. Còn hơn 1 ha trồng cây ăn quả và xây dựng khu vực chăn nuôi lợn. Cơ cấu đàn lợn trung bình 300 con, lúc cao điểm khoảng 500 con.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, gia đình triển khai nuôi lợn quy mô như hiện nay được khoảng 3 năm. Giá lợn xuất chuồng như thời điểm hiện tại với giá 49.000 đồng/kg lợn hơi khẳng định là người chăn nuôi có lãi. Còn những thời điểm giá lợn giảm sâu từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg thì chăn nuôi lợn bị lỗ và tiêu thụ rất khó khăn. Tuy nhiên, ở thời điểm như vậy, trang trại của gia đình vẫn duy trì chăn nuôi và tiêu thụ ổn định, mặc dù lãi không cao. Có được điều đó là vì trang trại đã xây dựng được chuỗi gắn kết trong chăn nuôi từ việc ký hợp đồng thỏa thuận với công ty cung cấp thức ăn. Theo đó, trang trại tiếp nhận, tiêu thụ thức ăn cho công ty thì phía công ty phải giới thiệu và tiêu thụ được sản phẩm lợn hơi cho trang trại với giá thành hợp lý theo thỏa thuận của 2 bên vào từng thời điểm. Đồng thời với cung cấp thức ăn, thuốc thú y, thì công ty cung cấp cả lợn giống có nguồn gốc, đảm bảo cho sinh trưởng tốt, phát triển bền vững và hiệu quả kinh tế.


Mô hình 3 lớp cây mang lại hiệu quả kinh tế cao của trang trại ông Nguyễn Quang Hùng, thôn Trung Tâm
xã Phúc Thịnh

Bên cạnh đó gia đình ông đã chuẩn bị một lượng lớn cây chuối sẵn có của trang trại sau khi đã thu hoạch quả làm nguồn thức ăn phụ, thay thế rau xanh. Tuy là thức ăn phụ nhưng cũng đáng kể với số lượng lợn lớn, góp phần giảm lượng cám công nghiệp phải mua với giá thành cao và trở thành vị “cứu tinh“ của trang trại vào thời điểm giá lợn xuống thấp. Cách chăn nuôi kết hợp này cho chất lượng thịt lợn ngon hơn so với chăn nuôi bằng cám công nghiệp hoàn toàn, thịt chắc và thơm hơn, thị trường ưa chuộng và đón nhận dẫn đến tiêu thụ thuận lợi hơn nhiều. Đến nay đã có nhiều đầu mối ở các tỉnh thành như Thái Nguyên, Hà Nội tìm đến tận nơi đặt mua sản phẩm lợn của trang trại, trung bình mỗi tháng xuất bán từ 1,8 đến 2 tấn lợn hơi. Ngoài ra trang trại còn một nguồn thu đều đặn và thường xuyên từ 10 đến 12 triệu đồng/tháng từ bán chuối và lá dong. Riêng lá dong thì có chủ các tiệm bánh ở Bờ Đậu, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đến tận nơi đặt mua. Với diện tích 2ha trồng xen kẽ như vậy mỗi tháng cho thu hoạch khoảng 5 vạn lá. Để vận hành nhịp nhàng, trang trại có 3 nhân công làm việc, nhưng vào thời điểm thu hoạch lá dong, chuối thì nhiều hơn khoảng 7, 8 nhân công, chủ yếu là lao động tại địa phương.


Nhân công đang cấy giống ở cơ sở sản xuất Nấm của anh Bùi Khánh Cường, thôn Phú Tâm, xã Phúc Thịnh

Một mô hình kinh tế tiêu biểu khác chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo xã Phúc Thịnh dẫn đến thăm quan đó là cơ sở sản xuất nấm của anh Bùi Khánh Cường, ở thôn Phú Tâm. Với dáng người cao gầy, nhanh nhẹn, đôi tay thoăn thoắt vừa làm anh Cường vừa chia sẻ, mỗi năm cơ sở xuất bán khoảng 3 vạn bịch nấm các loại gồm nấm Rơm, nấm Kim, nấm Linh Chi. Hiện cơ sở có 3 điểm để phát triển, một là nơi sơ chế nguyên liệu và đóng gói, hai là nơi cấy và nhân giống và ba là nơi nuôi nấm. Thời gian tới cơ sở sẽ phát triển thêm về quy mô, hiện đã hoàn thành đề án, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nói về đầu vào và đầu ra của sản phẩm anh Cường cho biết, nguyên liệu đầu vào sẵn có ở địa phương, giá thành khá rẻ như rơm khô, mùn cưa… Ngay cả nhân công cũng không quá cao như ở thành thị, những lúc cao điểm như thời kỳ sơ chế, đóng gói cơ sở phải thuê từ 8 đến 10 nhân công, lúc chăm sóc thì giảm, chỉ cần 3 đến 4 nhân công. Chi phí nhân công trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Về đầu ra của sản phẩm rất yên tâm, sản phẩm làm ra đến đâu hầu như là tiêu thụ hết đến đó, chủ yếu là các hộ, cơ sở đã biết đến cơ sở và đến tận nơi để đặt mua. Giá thành mỗi bịch nấm xuất ra không cao, rất phù hợp nên xuất được lượng khá lớn mỗi năm. Giá xuất đối với nấm Rơm và nấm Kim là 8.000 đồng/bịch, nấm Linh Chi là 15.000 đồng/bịch. Mỗi bịch nấm Rơm, nấm Kim nếu chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật thì có thể thu hoạch được 0,8 đến 1 kg nấm tươi thương phẩm, giá thành 40.000 đồng/kg. Riêng nấm Linh Chi, từ việc nhân giống đến chăm sóc cũng khó và phức tạp hơn, đòi hỏi trình độ, kỹ thuật cao hơn. Mỗi bịch nấm Linh Chi nếu chăm sóc tốt cho thu hoạch từ 0,4 đến 0,5kg nấm thương phẩm. Hiện tại cơ sở đang bán giá nấm tươi là 150 nghìn/kg, còn nếu nấm đã phơi hoặc sấy khô là 1,2 triệu đồng/kg. Doanh thu hàng năm từ việc bán nấm giống và nấm thương phẩm từ 300 đến 400 triệu đồng.     

Từ việc mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm như người thanh niên trẻ Bùi Khánh Cường hay ông Nguyễn Quang Hùng đã tạo dựng cho mình một hướng đi phát triển kinh tế, làm giàu vững chắc, góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương và xây dựng được thương hiệu cho cá nhân nói riêng và vùng quê miền núi Chiêm Hóa nói chung. Và đây chính là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục