Hùng Mỹ phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo an toàn sinh học

Cùng với nhiều xã trên địa bàn huyện Chiêm Hóa như: Vinh Quang, Tân Thịnh, Hòa Phú, Xuân Quang… xã Hùng Mỹ đang triển khai dự án, mô hình tổ hợp tác chăn nuôi đại gia súc hàng hóa theo hình thức nuôi vỗ béo. Đây là mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và hộ dân có sự giám sát của cán bộ kỹ thuật.

Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò an toàn sinh học cho các xã trên địa bàn huyện Chiêm Hóa

Liên kết nuôi trâu vỗ béo an toàn sinh học giữa doanh nghiệp, Hợp tác xã và hộ dân có sự giám sát của cán bộ kỹ thuật. Việc liên kết chuỗi giữa Hợp tác xã (HTX) với nông dân theo hình thức hợp đồng thỏa thuận sẽ mang lại 3 lợi ích đó là: Tận dụng nguồn thức ăn có sẵn của địa phương là ngọn mía và ngô; giúp người dân tăng nguồn thu nhập theo hướng bền vững, kinh tế xã phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm; đàn trâu được nhập từ Thái Lan và Lào, có tầm vóc to là điều kiện để cải tạo đàn trâu trên địa bàn xã.

Tổ hợp tác chăn nuôi trâu vỗ béo theo hướng an toàn sinh học xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa hoạt động theo nhóm hộ, có mặt bằng làm chuồng trại theo tiêu chuẩn nuôi nhốt, có diện tích đất trồng cỏ... Đợt 1, tổ hợp tác chăn nuôi xã Hùng Mỹ đã tiếp nhận 15 con trâu và 5 con bò với tổng giá trị gần 500 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Theo tính toán, 1 con trâu nuôi vỗ béo theo đúng quy trình 3 tháng trọng lượng tăng từ 150 đến 200 kg, giá thu mua 72.000 đồng/kg. Sau quá trình chăm sóc đợt 1, nhận thấy việc chăn nuôi trâu, bò vỗ béo theo hướng an toàn sinh học đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ tham gia. Hiện nay, Tổ hợp tác đã nhập trâu, bò đợt 2, trong đó có 03 con trâu, 45 con bò. Thông qua việc liên kết chuỗi giữa Hợp tác xã với tổ hợp tác chăn nuôi theo hình thức hợp đồng thỏa thuận và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra đã giúp cho người nông dân yên tâm chăn nuôi, tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp để giảm chi phí.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, thành phố Tuyên Quang là đơn vị cung cấp trâu cho các hộ chăn nuôi của tổ hợp tác, đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật làm chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh, cách ủ thức ăn… HTX sẽ cân trọng lượng của từng con, đánh số tai theo dõi bàn giao cho các hộ của tổ hợp tác. Khi hết thời gian 3 tháng, các hộ chăn nuôi mang số trâu trên về HTX tiến hành cân nhập. Sự chênh lệch trọng lượng giao và nhận về là nguồn lợi của người dân được hưởng.

Mô hình nuôi trâu vỗ béo theo hướng an toàn sinh học tại xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa

Anh Nguyễn Văn Nguyên, thôn Mũ, xã Hùng Mỹ (thành viên Tổ hợp tác) cho biết: Trước đây, gia đình anh chỉ chăn nuôi trâu để cày kéo. Sau khi chính quyền xã triển khai mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo theo hướng an toàn sinh học gắn với việc chăn nuôi hàng hóa, được ký kết hợp đồng đầu ra ổn định, anh Nguyên đã đăng ký tham gia làm thành viên của tổ hợp, nhận trâu về nuôi và thực hiện chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Sau thời gian chăm sóc, đàn trâu đã góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập ổn định cho gia đình anh.

Trao đổi với bà Đặng Thị Ghến, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Hùng Mỹ cho biết: Việc triển khai mô hình nuôi trâu vỗ béo an toàn sinh học sẽ thay đổi cách chăn nuôi của bà con theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiếp cận được cách thức chăn nuôi mới, thúc đẩy phát triển đàn gia súc trên địa bàn xã, góp phần xóa đói giảm nghèo nâng cao thu nhập cho người dân./.

Thu Hương/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục