Hiệu quả từ mô hình quản lý dịch hại trên cây trồng để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp

Trong những năm gần đây, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) được người dân trên địa bàn tỉnh tích cực áp dụng. Phương pháp này đã và đang giúp giảm chi phí sản xuất cũng như lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại tồn dư trên sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng lợi nhuận trên đơn vị canh tác gắn với việc thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gai tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Cùng với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng; sản xuất trồng trọt quy mô nhỏ lẻ manh mún, hiệu quả sản xuất chưa cao, đầu ra phụ thuộc vào thương lái, thu nhập không ổn định, nông dân chưa quen với sản xuất hàng hóa; tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học làm tăng chi phí sản xuất, tăng tính kháng thuốc, dẫn đến các hệ lụy về sự bùng phát của dịch hại, suy giảm hệ ký sinh - thiên địch, tài nguyên đất đai suy thoái, lượng tồn dư phân bón hóa học, thuốc BVTV trên nông sản cao làm giảm giá trị hàng hóa và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường và đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, kéo theo dịch hại cũng phát sinh gây hại phức tạp hơn (sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, bệnh bạc lá,…) ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng.

Trước thực tế đó, tháng 6 năm 2021, UBND tỉnh Tuyên Quang đã Ban hành kế hoạch thực hiện chương trình quản lý dịch  hại tổng hợp IPM trên cây trồng chủ lực có giá trị  kinh tế cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó việc tập trung phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nông dân. Xây dựng đội ngũ giảng viên cấp tỉnh, cấp huyện thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo giảng viên, các lớp huấn luyện nông dân nòng cốt về IPM trong sản xuất đại trà cho người trực tiếp sản xuất, các chủ trang trại, Hợp tác xã… nâng cao kỹ năng, kỹ thuật cho cán bộ làm công tác bảo vệ thực vật, khuyến nông và đội ngũ nông dân nòng cốt về IPM thông qua các lớp học hiện trường và thực nghiệm trên đồng ruộng, tạo điều kiện để lực lượng này phát huy vai trò hướng dẫn, giúp đỡ cộng đồng thực hiện các hoạt động IPM.

Mô hình sản xuất lúa vụ mùa năm 2023 áp dụng IPM tại xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn

Mặc dù mới được triển khai, nhưng nhiều mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM đã cho hiệu quả tích cực, được nông dân hào hứng đón nhận. Việc áp dụng IPM trên cây trồng ở Tuyên Quang là tiền đề vững chắc cho sản xuất VietGAP, hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đến nay, toàn tỉnh có 7 Hợp tác xã, 18 tổ hợp tác tham gia sản xuất , chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với diện tích theo tiêu chuẩn trên 1.600 ha gồm có cây chè, lúa, cây ăn quả và các loại rau màu.

Với phương pháp “Học đi đôi với hành” gắn liền việc học với thực tế đồng ruộng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức các lớp tập huấn quản lý dịch hại tổng hợp cây lúa cho người nông dân, từ đó đã giúp các hộ nông dân nắm vững kiến thức về sinh lý của cây lúa qua từng giai đoạn sinh trưởng phát triển, cách bón phân hợp lý, phòng trừ sinh vật gây hại hiệu quả. Đặc biệt người nông dân nắm vững kỹ năng cơ bản để nhận biết các đối tượng sâu bệnh hại theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa; xác định được ngưỡng để phun thuốc, nhờ đó đã tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường.

Trong quá trình thực hiện mô hình các hộ gia đình đã ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM với nguyên tắc ưu tiên ban đầu là giống cây trồng, có sức chống đỡ tốt với điều kiện ngoại cảnh; các biện pháp canh tác phù hợp để bảo vệ môi trường, đặc biệt là các loại thiên địch tự nhiên; đồng thời đòi hỏi người nông dân phải  được đào tạo bài bản, thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường và có biện pháp xử lý hiệu quả.

Mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM không những mang lại hiệu quả cao, mà qua đó, bà con nông dân còn nắm được các biện pháp quản lý theo nguyên tắc cân bằng hệ sinh thái, giảm thiểu tối đa sử dụng hóa chất vào đồng ruộng, giúp tăng hiệu quả kinh tế. Mở rộng diện tích ứng dụng IPM trên các loại cây trồng chủ lực nhằm tăng hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững; góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường, hướng đến một nền sản xuất xanh, góp phần thực hiện thành công nhóm tiêu chí Kinh tế và Tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025./.

Lại Kiều Trang/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục